• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo góp phần quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội

“Hội thảo là dịp góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam, lan tỏa trong cả nước và ra thế giới” là một nội dung trong báo cáo đề dẫn mà đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP nêu tại Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Nêu bật giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Cụ thể, Báo cáo đề dẫn cho biết: Trước khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, thực hiện Luật Di sản, Chính phủ đã cho phép Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Hoạt động khai quật được bắt đầu từ tháng 12/2002. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2002 đến năm 2004 tại khu di tích đã phát lộ dấu tích kiến trúc cung điện cùng vô số loại hình hiện vật phong phú và đa dạng của Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.

Hội thảo góp phần quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đọc báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Phát hiện quan trọng này đã minh chứng sinh động cho lịch sử Hà Nội và lịch sử kinh thành Thăng Long khoảng 1.300 năm từ các thời kỳ tiền Thăng Long qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và thành Hà Nội thời Nguyễn. Những kết quả khai quật khảo cổ học đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trước những đánh giá xác đáng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, cũng như kiến nghị kịp thời của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Chính phủ, từ năm 2006, UBND TP Hà Nội chính thức được Chính phủ giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề cử di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới.

Liên tục trong 4 năm từ năm 2006 - 2010, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ và nhận được sự tham gia đầy nhiệt huyết của các nhà khoa học trong và ngoài nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều Bộ, ban ngành Trung ương. Với quyết tâm và đồng thuận cao, hồ sơ đề cử di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được đệ trình UNESCO đúng thời hạn.

Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long

Năm 2010, tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Brasilia, thủ đô của Brazil vào lúc 20h30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương, tức 6h30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Kể từ đó đến nay, công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực; Đặc biệt là các công tác thực hiện nghiêm túc khuyến nghị của UNESCO và 8 cam kết của UBND TP Hà Nội với UNESCO được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản thế giới (1972 - 2022), nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới trong công tác nghiên cứu khoa học, khảo cổ học phục vụ quản lý hiệu quả khu di sản; Đồng thời hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 và tổng kết kết quả 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002 - 2022), Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Hội thảo góp phần quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Mục đích tổ chức hội thảo nhằm tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội từ năm 2002 đến nay; Đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học 10 năm gần đây tại khu vực Chính điện Kính Thiên (2011 - 2021).

Hội thảo cũng nhằm trao đổi, qua đó tìm hiểu kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; Nghiên cứu so sánh thực tế Việt Nam và các nước khu vực Đông Bắc Á (kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)... trong công tác nghiên cứu, phục dựng các cung điện thời xưa.

Tham vấn khoa học định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội nhằm bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất các giá trị của khu di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo là dịp góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam lan tỏa trong nước và ra thế giới.

Hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu di sản

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 31 tham luận, gồm 8 tham luận của các tin chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Pháp, Anh, Italia và 23 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn, quản lý... thuộc các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cơ quan quản lý văn hóa, bảo tàng và các Di sản văn hóa thế giới gửi đến.

Đặc biệt, một số chuyên gia quốc tế gắn bó lâu năm với Hoàng thành Thăng Long vì những lý do cá nhân không đến Việt Nam tham dự nhưng vẫn dự hội thảo thông qua hình thức trực tuyến.

Hình ảnh khai quật tại Hoàng thành Thăng Long
Hình ảnh khai quật tại Hoàng thành Thăng Long

31 bản tham luận sẽ đóng góp vào thành công của hội thảo theo hai chủ đề mà Ban Tổ chức đã gợi ý gồm: Chủ đề 1: Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt kết quả nghiên cứu 10 năm gần đây, kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được vinh danh Di sản văn hóa thế giới.

Chủ đề 2: Phát huy giá trị di sản: Thực tiễn kinh nghiệm và định hướng trong đó chú trọng việc định hướng nghiên cứu, phục dựng một số công trình kiến trúc tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trong đó trọng tâm là không gian điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên.

Những kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; Đặc biệt bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; Hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045.

Hội thảo góp phần quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội
 

Cùng với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, công tác quản lý bền vững các khu Di sản cũng là điều không những Hoàng thành Thăng Long mà các Di sản thế giới khác ở Việt Nam cũng đang còn gặp nhiều vướng mắc.

Tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu, khoa học sẽ cùng chia sẻ những kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu di sản; Tìm ra hướng đi tích cực để công tác này đạt hiệu quả cao nhất, làm tiền đề cho công tác quản lý bền vững di sản, vì sự phát triển của các khu Di sản thế giới.

Cùng với các tham luận rất phong phú, đa dạng và sâu sắc của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến, Ban Tổ chức chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu xung quanh các chủ đề của hội thảo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan