Hội nhập thành công đưa Việt Nam trở thành 'mắt xích' quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Những kết quả trong công tác hội nhập năm 2024 đã đưa Việt Nam trở thành một 'mắt xích' quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các quốc gia đối tác.
Công tác hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2024 ngành Công Thương đã triển khai đồng bộ các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và hoàn thành hiệu quả, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra; cân bằng, đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế, đồng thời ứng phó kịp thời, phù hợp trước những biến động nhanh chóng của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.
Không những vậy, trong năm qua, Bộ Công Thương cũng đã tích cực chủ trì, đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan trong xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị, Bộ ngành trong việc theo dõi và khẩn trương xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế.
Với những giải pháp đồng bộ cùng chủ trương chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế, có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; top 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút FDI, top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2024 ngành Công Thương đã triển khai đồng bộ các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và hoàn thành hiệu quả, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra. Ảnh: Trung Quân |
Không những vậy, Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng GDP bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 5,2%/năm (mức cao của khu vực và thế giới); riêng năm 2024 khả năng đạt trên 7%, cao hơn mức Quốc hội giao (6,5 - 7%).
“Như vậy, có thể nói công tác hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt thông qua việc đàm phán, ký kết các FTA. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, thể hiện qua việc tham gia và triển khai các cam kết kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới” - Bộ Công Thương nhận định và cho biết, Việt Nam hiện đã ký kết 17 FTA và đang đàm phán 2 FTA, tổng cộng đã và đang tham gia 19 FTA, qua đó, Việt Nam có trên 60 đối tác FTA, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các quốc gia trên thế giới.
Hiệp định CEPA - bước đột phá trong khai mở thị trường
Điều đặc biệt là trong năm 2024, công tác đàm phán, ký kết các FTA mới là điểm sáng trong bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Công Thương và của cả nước nói chung. Bởi ngày 28/10/2024, sau hơn một năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã được ký kết. Đây là FTA đầu tiên mà Việt Nam ký với một nước Ả rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với UAE và các nước Trung Đông - châu Phi.
Hiệp định có sức lan toả mạnh mẽ, tạo tiếng vang ở bán đảo Ả rập và trở thành "cú huých" trong ký kết các FTA với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không những vậy, việc ký kết Hiệp định CEPA sau hơn một năm đàm phán còn lập dấu mốc mới, thể hiện sự chủ động, đi đầu của Bộ Công Thương trong kết nối hợp tác kinh tế quốc tế.
Hiệp định CEPA có sức lan toả mạnh mẽ, tạo tiếng vang ở bán đảo Ả rập và trở thành "cú huých" trong ký kết các FTA với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: Dương Giang |
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - nhận định, với nỗ lực và quyết tâm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, CEPA đã hoàn tất đàm phán thần tốc trong vòng một năm với 5 phiên đàm phán chính thức, trong đó có 3 phiên trực tiếp ở cấp Bộ trưởng, là minh chứng rõ rệt cho cam kết đưa hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên lên một tầm cao mới; đồng thời, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ký kết CEPA, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ, trình và được Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ai-len vào ngày 25/6/2024); Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA); Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham dự đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN.
Không những vậy, trong 365 ngày qua, Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định thương mại tự do, tiếp nhận các câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân liên quan đến các FTA trên và trực tiếp trả lời hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan trả lời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Với việc tham gia nhiều các FTA, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Ảnh: Hùng Nguyên |
Như vậy, với việc tham gia nhiều các FTA, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam với tỷ trọng kim ngạch chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Cùng với Mỹ, 3 nước (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Nhờ đó, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 9 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay. Năm 2024, xuất nhập khẩu sẽ lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Tiếp tục đàm phán, ký các các FTA mới
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU... Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Không những vậy, mức độ tự do hóa thương mại và ký kết các FTA có xu hướng tăng nhưng còn hạn chế trong phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, chưa đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Nhiều ngành hàng chủ lực như nông, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử vẫn chiếm tỷ trong lớn, chưa phát triển các sản phẩm công nghệ cao.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy công tác hội nhập kinh tế cũng như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương cho rằng, năm 2025 sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Trong đó, chú trọng tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ giữa công tác hội nhập kinh tế ngoài nước và hội nhập kinh tế trong nước, đặc biệt chú trọng việc gắn việc thực thi đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình rà soát, bổ sung và hoàn thiện pháp luật và thể chế trong nước, hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam với các cam kết quốc tế để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát huy tính chủ động của Việt Nam trong đề xuất, thực thi các sáng kiến nhằm hiện thực hóa các mục tiêu hợp tác đã được các nhà lãnh đạo thống nhất trong các khuôn khổ hợp tác, các tổ chức đa phương và khu vực như WTO, ASEAN, APEC... Đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi thành viên của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác, tạo các cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các cơ hội phát triển kinh doanh, thương mại, đầu tư.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2025, ASEAN sẽ hoàn thành kế hoạch thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và tiếp tục thực hiện Kế hoạch chiến lược xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN sẽ nỗ lực hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và thực hiện các thủ tục phê chuẩn trong nước để đưa Hiệp định đi vào hiệu lực.