• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Tĩnh: Hàng loạt gói thầu công nghệ hàng chục tỷ đồng có dấu hiệu đội giá

Hàng loạt gói xây dựng phần mềm, mua sắm thiết bị có giá trị lớn tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh do một công ty trúng thầu có dấu hiệu đội giá thiết bị, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, nguồn tin phản ánh đến Báo GD&TĐ, từ năm 2019-2022, Công ty TNHH Công nghệ Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn), có địa chỉ tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, do bà Nguyễn Thị Thanh Hương là đại diện pháp luật, liên tiếp được "xướng tên" trong nhiều gói thầu lớn tại các huyện, thị ở tỉnh Hà Tĩnh có dấu hiệu "đội giá" thiết bị.

Đơn cử như ngày 12/8/2021, ông Phan Anh Tuấn - Chánh văn phòng UBND huyện Lộc Hà ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: "01.TB: Xây dựng phần mềm thành phần, bổ sung trang thiết bị phục vụ cổng điều hành nội bộ trên địa bàn huyện".

Theo đó Liên danh Công ty Hoành Sơn - Công ty Cổ phần tin học Tân Dân (Công ty Hoành Sơn - Tân Dân) trúng thầu với giá hơn 9,8 tỷ đồng. Tại gói thầu tổ chức qua mạng này, chỉ duy nhất Liên danh Công ty Hoành Sơn - Tân Dân dự thầu và nghiễm nhiên được phê duyệt trúng thầu.

Đáng nói là nhiều thiết bị trong gói thầu này có dấu hiệu bị "đội giá" so với sản phẩm cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật được bán trên thị trường trên cùng một thời điểm.

Cụ thể, đầu ghi hình DHI-NVR3227-4KHL có xuất xứ từ Trung Quốc giá hơn 26,3 triệu đồng, trong khi đó với sản phẩm có cùng model, thông số kỹ thuật nhưng trên thị trường bán lẻ có giá dao động từ 10-12 triệu đồng; tivi 65" mã  65UN7400 (Smart tivi LG 4K 65 inch 65UN7400PTA) xuất xứ từ Indonesia giá hơn 30,4 triệu đồng, tham khảo thị trường điện máy, giá bán lẻ sản phẩm này chỉ từ 13-15 triệu đồng; máy in HL-B2080DW (Brother HL-B2080DW - 24 cái) có xuất xứ  Việt Nam 9,2 triệu đồng, giá thị trường từ 3,2-4,6 triệu đồng; tủ cắt lọc sét 3 pha 3PPMSG175kA-NE có xuất xứ từ Trung Quốc giá 57,5 triệu đồng, gía thị trường dao động từ hơn 22,7- 22,8 triệu đồng...

Chưa hết, các phần mềm ứng dụng Văn phòng HĐND - UBND huyện Lộc Hà duyệt mua với giá hàng trăm triệu đồng nhưng theo phản ánh đây không phải là những ứng dụng mang tính độc quyền, có thể thay đổi cơ sở dữ liệu sử dụng cho nhiều đơn vị khác.

Theo hồ sơ mà phóng viên nắm được, các phần mềm ứng dụng có giá trị cao trong gói thầu mà Công ty Hoành Sơn - Tân Dân được Văn phòng UBND huyện Lộc Hà phê duyệt như: Phát triển các ứng dụng trên phần mềm nền thi trắc nghiệm trực tuyến phục vụ cán bộ và công dân trên địa bàn huyện (405.815.000 đồng); phát triển các ứng dụng trên phần mềm nền phục vụ công tác quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn huyện (580.650.000 đồng); phát triển các ứng dụng trên nền phần mềm quản lý thi đua (440.105.000 đồng)…

Liên quan đến các sản phẩm mà Liên danh Công ty Hoành Sơn - Tân Dân trúng thầu, Văn phòng UBND huyện Lộc Hà từng có văn bản yêu cầu đơn vị chức năng thẩm định lại giá một số mặt hàng.

Theo ông Phan Anh Tuấn, các thủ tục Văn phòng UBND huyện Lộc Hà đã thuê một đơn vị tư vấn thẩm định giá độc lập. Sau khi nhận được thông tin về việc một số mã hàng có sự chênh lệch về giá, huyện đã có văn bản gửi đơn vị thẩm định yêu cầu kiểm tra lại một số mã hàng, sau này sẽ cắt giảm trong khối lượng và thanh toán thực tế.

Theo ông Tuấn, đây là gói triển khai trên toàn tỉnh. Sau khi huyện Lộc Hà soát xét lại có 6-8 mã hàng có sự chênh lệch yêu cầu đơn vị thẩm định lại giá sau đó mới tiếp tục cho triển khai.

Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, ông Trần Xuân Lộc, Kỹ thuật Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho rằng: "Hồ sơ đã được thẩm định giá đầy đủ, có Phòng Tài chính thẩm định giá lại rồi mới trình lên UBND huyện, sau đó lựa chọn nhà thầu và đấu thầu qua mạng".

Còn thắc mắc về việc UBND huyện có văn bản yêu cầu đơn vị thẩm định thẩm định lại giá một số giá mặt hàng thì ông Lộc cho hay: "Thẩm định lại giá là vì mã hàng này không có ở trên thị trường nữa, chứ không phải thẩm định lại giá của sản phẩm".

Còn về các ứng dụng phần mềm, theo ông Lộc không có tính độc quyền, tương tự như các phần mềm Zoom, Word… có thể bán cho nhiều người sử dụng và thay đổi cơ sở dữ liệu.

Cũng theo ông Lộc, các phần mềm có giá trị cao như vậy là do chi phí đào tạo chiếm phần lớn. "Tất cả các phần mềm đơn vị mua không có tính độc quyền và chi phí trong đó bao gồm cả đào tạo người sử dụng", ông Lộc giải thích.

Qua tìm hiểu, ngoài Văn phòng UBND huyện Lộc Hà, Công ty Hoành Sơn còn trúng các gói thầu cùng giá trị tương tự tại Văn phòng UBND các huyện thị như: Thị xã Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà, Hồng Lĩnh…

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan