Hà Nội xây dựng "Tổ dân phố, thôn không ma túy”
Hà Nội sẽ tạo cơ chế và hỗ trợ nguồn lực nhằm duy trì vững chắc và tăng dần số tổ dân phố, thôn, xã, phường, thị trấn "không ma túy", tiến tới xây dựng "quận, huyện, thị xã không ma túy".
Đại diện Công an quận Đống Đa và lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa trao Quyết định công nhận 9 "Tổ dân phố không ma tuý" |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc xây dựng “Tổ dân phố, thôn không ma túy” và “Xã, phường, thị trấn không ma túy” trên địa bàn TP Hà Nội.
Chủ động ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy
Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Qua đó, các đơn vị chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế thấp nhất tác hại do ma túy gây ra, tạo môi trường xã hội lành mạnh ngay từ cơ sở, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước và Thủ đô.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra hàng năm đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy: 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp, hiệu quả. 100% tổ dân phố/thôn được tiếp cận thông tin truyền thông phòng, chống ma túy ít nhất 1 lần/quý. 100% các trường học được tiếp cận thông tin tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy dưới mọi hình thức.
Đối với công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện, người sau cai nghiện ma túy và cai nghiện ma túy: 100% người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện, ra thông báo được lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định. 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy trở về địa phương được lập hồ sơ đưa vào quản lý người sau cai nghiện ma túy ở nơi cư trú; trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. 100% người sau cai nghiện, hoàn thành quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú được đánh giá tỷ lệ tái nghiện; phấn đấu 50% người trong danh sách quản lý sau cai tại nơi cư trú sẽ "cai nghiện thành công".
Với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, tỷ lệ số vụ mua bán trái phép chất ma túy khởi tố từ 2 đối tượng trở lên chiếm từ 20% đến 30% tổng số vụ xử lý hình sự; triệt xóa 100% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy theo quy định thời hạn về quản lý điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Các cơ quan chức năng triệt phá 100% diện tích cây có chứa chất ma túy trồng trái phép được phát hiện, không để xuất hiện tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy; không để tiềm ẩn sản xuất, ổ nhóm, đối tượng đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn mà không được phát hiện.
Để xây dựng "Tổ dân phố, thôn không ma túy" và "Xã, phường, thị trấn không ma túy”, TP phấn đấu hàng năm 100% tổ dân phố, thôn, xã, phường, thị trấn được tiếp cận thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy và quan điểm, mục tiêu xây dựng các mô hình "vùng xanh" phòng, chống ma túy; "Tổ dân phố, thôn không ma túy"; "Xã, phường, thị trấn không ma túy". Hà Nội xây dựng 10% "Tổ dân phố không ma túy" trên địa bàn phường và 20% "Tổ dân phố, thôn không ma túy" trên địa bàn xã/thị trấn. TP phấn đấu trên địa bàn cấp huyện có ít nhất 1 "Xã, phường, thị trấn không ma túy"; duy trì số "Tổ dân phố, thôn không ma túy" và "Xã, phường, thị trấn không ma túy"; xây dựng mới "Tổ dân phố, thôn không ma túy" và "Xã, phường, thị trấn không ma túy".
Tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động "hòm thư" tố giác tội phạm
UBND TP giao Công an TP là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 89 TP, xây dựng, ban hành, triển khai các văn bản về công tác phòng, chống ma túy theo các nội dung của kế hoạch đề ra. Thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng "Tổ dân phố, thôn không ma túy" và "Xã, phường, thị trấn không ma túy"; xác định địa bàn, khu vực trọng điểm về ma túy.
Hà Nội tổ chức rà soát, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn; tổ chức ký cam kết xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; tổ chức bình xét, cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng đấu tranh, triệt xóa các đường dây ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia, các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp trái phép, các điểm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép ma túy; giải quyết điểm phức tạp về tệ nạn ma túy.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tốt việc phối hợp với các ngành và địa phương trong việc xác định tình trạng nghiện ma túy; tiếp tục phối hợp triển khai tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng; duy trì hoạt động các cơ sở điều trị Methadone, phối hợp với các ngành chức năng quản lý tốt số người đang điều trị bằng Methadone...
UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn của địa phương; chỉ đạo Công an cùng cấp tổ chức phòng, ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi liên quan đến ma túy; tổ chức rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ theo dỗi, quản lý và làm tốt công tác quản lý người nghiện sau cai nghiện ma túy.
Thành phố tăng cường hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống và phòng, chống tái nghiện; xây dựng nội dung, chương trình, hướng dẫn xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phòng chống ma túy cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn tuyên truyền viên ở xã, phường, thị trấn.
UBND xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, lập danh sách thống kê, lập hồ sơ quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ma túy và các đối tượng liên quan ma túy; tổ chức phân công, quản lý, hỗ trợ cho 100% người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
Các đơn vị tổ chức tuần tra tại các tụ điểm phức tạp về ma túy để ngăn ngừa việc tụ tập, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động của "hòm thư" tố giác tội phạm và người liên quan đến ma túy.
Theo Đại uý Nguyễn Duy Tuấn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an quận Đống Đa, để một "Tổ dân phố không ma tuý" cần đáp ứng 4 tiêu chí: Không có người nghiện ma tuý và người sử dụng chất ma tuý có hồ sơ quản lý ở cộng đồng; không có tụ điểm phức tạp, có nguy cơ phức tạp về ma tuý; tỷ lệ tội phạm về ma tuý trên tổng số nhân khẩu cư trú thực tế dưới 0.05%; không để trồng cây chứa chất ma tuý trên địa bàn phường. Do đó, để đạt được danh hiệu "Tổ dân phố không ma tuý" cần sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cũng như sự vào cuộc của các cấp ngành và từng gia đình, từng người dân. |