Hà Nội hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường
Trước những khó khăn của người lao động do bị giãn việc, mất việc, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lao động gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ, theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Để người lao động yên tâm cống hiến
Theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT, đối tượng được nhận hỗ trợ gồm đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, ngừng việc; Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.
Có ba mức hỗ trợ, cụ thể, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người đối với người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người dành cho người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người được thực hiện với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lao động gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ |
Trên thực tế, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện bị cắt, giảm đơn hàng tại Hà Nội không xảy ra ồ ạt như các tỉnh, thành phố phía Nam nhưng tình trạng này đã xảy ra khiến đời sống nhiều lao động bấp bênh.
Anh Vũ Tấn Sinh (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long 5 năm, cuối năm 2022, anh thuộc diện mất việc làm do công ty thiếu đơn hàng, sau khi nghe thông tin có chương trình hỗ trợ, anh Sinh và nhiều người lao động đang bị mất việc rất phấn khởi. Anh Sinh cho biết: “Số tiền trợ cấp sẽ giúp tôi có thêm một khoản chi cho cuộc sống hằng ngày. Tôi rất mừng và ngạc nhiên vì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ để hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đã được hưởng số tiền 3 triệu đồng. Trong lúc đang không có việc làm, số tiền này là sự động viên lớn và rất cần thiết đối với tôi", anh Sinh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Đặng Thị Hồng, công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) thuộc diện bị giãn việc làm nên thu nhập bấp bênh. Nghe thông tin những lao động như mình sẽ được hỗ trợ nên chị rất mừng và đang chờ doanh nghiệp rà soát, lên danh sách để sớm được nhận khoản tiền, giúp trang trải phần nào cuộc sống.
Nhanh chóng triển khai thực hiện chính sách
Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng, Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành hướng dẫn, yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp, thống nhất các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ do giãn việc, mất việc tại thời điểm nêu trên để tiến hành các bước thực hiện theo quy định, hạn cuối cùng là ngày 31/3/2023.
Liên đoàn Lao động thành phố cũng yêu cầu công đoàn cơ sở nắm bắt thực tiễn, dự báo sớm tình hình và quan hệ lao động, từ đó có cơ sở để tham mưu tốt, kịp thời trong công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Với mỗi trường hợp, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần.
Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa hai mức hỗ trợ.
Đến nay, Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở vẫn chưa có báo cáo cụ thể số lao động bị giãn việc, mất việc thuộc diện hưởng tiền hỗ trợ từ Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 2 tháng qua, thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.860 người, với số tiền hỗ trợ là 175,8 tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội đảm bảo hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do bị mất việc |
Về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh Trần Thu Hằng khẳng định: Đơn vị đã thông báo đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn sớm kiểm tra, rà soát số lao động thuộc diện giãn việc, mất việc đủ điều kiện để hưởng trợ cấp từ thành phố. "Khi các doanh nghiệp tổng hợp đủ số liệu, gửi đến Liên đoàn Lao động huyện thì chúng tôi sẽ báo cáo Liên đoàn Lao động thành phố để nhanh chóng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động", bà Hằng nhấn mạnh.
Được biết, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã đã triển khai hướng dẫn rộng rãi đến các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm tổng hợp các trường hợp người lao động gặp khó khăn do giãn việc, mất việc. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường thông tin tuyên truyền để các công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động nắm bắt và làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ nếu đủ điều kiện.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng nỗ lực cung cấp thông tin về những vị trí việc làm trống nhằm hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường, giải phóng áp lực khó khăn do mất việc làm.
Cùng với việc hỗ trợ người lao động, năm 2023, toàn thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 230.000 lượt người. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ cao đẳng cho ít nhất 25.500 người; Trình độ trung cấp cho 28.500 người; Trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 176.000 người.
Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn thành phố, phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt 73,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt ít nhất 52,5% (năm 2022, các tỷ lệ này lần lượt là 72,23%, và 52,5%).
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là tập trung tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Chú trọng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, giải quyết việc làm.
Ngoài ra, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cần được triển khai linh hoạt, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc thù của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, mở ra cơ hội việc làm bền vững cho người lao động…