Dự thảo Nghị định mới: Địa phương “làm chủ” khối tài sản hạ tầng quốc gia?
Quan điểm cốt lõi xây dựng Dự thảo Nghị định về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; Đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Trước đây, nhiều quyết định liên quan đến tài sản công, bao gồm tài sản kết cấu hạ tầng, thường phải trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt. Điều này đôi khi làm giảm tính linh hoạt của các cơ quan trực tiếp quản lý.
Dự thảo quy định, UBND cấp tỉnh được quyền phê duyệt đề án cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản chợ.
Dự thảo Nghị định lấy ý kiến lần này hướng tới việc chuyển giao thẩm quyền quyết định cho các Bộ quản lý ngành và chính quyền cấp tỉnh, cụ thể là UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh tùy theo loại tài sản và nội dung quyết định. Theo Bộ Tài chính, việc phân cấp này sẽ tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của chính quyền địa phương, giúp kịp thời giải quyết các khó khăn và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, tổ chức.
Điều này thực hiện đúng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", phát huy tính năng động, sáng tạo của cấp dưới và khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển.
Theo đó, đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (trong phạm vi quản lý được quy định), dự thảo quy định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ có thẩm quyền quyết định trực tiếp việc giao, phê duyệt Đề án khai thác, thu hồi, điều chuyển, bán, sử dụng tài sản hiện có để tham gia dự án PPP và điều chuyển vật liệu thu hồi từ thanh lý. Đáng chú ý, nhiều thủ tục trước đây đòi hỏi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định nay đã được loại bỏ, thực hiện đúng tinh thần cải cách thủ tục và phân quyền mạnh mẽ.
Tương tự, với loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thẩm quyền được phân cấp rộng rãi hơn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đặc biệt là UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh được giao quyền quyết định việc giao, phê duyệt Đề án khai thác, thu hồi, điều chuyển, chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, điều chuyển vật liệu thu hồi, và sử dụng tài sản hiện có cho dự án PPP.
Việc này cũng đi kèm với việc cắt giảm đáng kể các bước báo cáo, tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong quản lý, sử dụng nguồn lực hạ tầng.
Sự phân cấp mạnh mẽ đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thể hiện như sau: Dự thảo cho phép UBND cấp tỉnh được quyền phê duyệt đề án cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản chợ ngay cả khi có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định còn quy định phân cấp phân quyền cụ thể đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải. Các thủ tục báo cáo rườm rà cũng được cắt giảm tương ứng.
Với hiệu lực dự kiến từ ngày 01/7/2025, Dự thảo Nghị định này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phân định thẩm quyền quản lý tài sản công, đặc biệt là tài sản kết cấu hạ tầng. Các cơ quan, địa phương được phân cấp sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan; đồng thời đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính được thông suốt, không bị gián đoạn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương có thể tự chủ và quyết đoán hơn trong việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Nghị định thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phân cấp triệt để, bám sát phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Mục tiêu chính là nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của địa phương và đất nước; đồng thời cải cách triệt để thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong việc quản lý tài sản công.