• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất sửa 4 luật về công tác tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức

Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 4 luật gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Chính quyền địa phương.

Trao đổi với báo chí về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Hiện Bộ Nội vụ đang tập trung để cố gắng đến tháng 10/2024 xong việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, cũng như Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương.

Đặc biệt là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương để thúc đẩy thực hiện phân cấp, phân quyền, cũng như đổi mới nền hành chính từ Trung ương đến cấp địa phương.

Cùng với việc xây dựng thể chế, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện các chính sách để thu hút và trọng dụng người có tài năng, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức. Theo đó, sẽ đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, cơ cấu, tỷ lệ phù hợp để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đấy thực hiện việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và nghiên cứu việc xét nâng ngạch công chức.

Đề xuất sửa 4 luật về công tác tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện các chính sách để thu hút và trọng dụng người có tài năng, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức

Về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh quan điểm: “Chúng ta phải đánh giá đúng, công bằng, đồng thời tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu. Trong đó có người phấn đấu đi theo hướng chuyên gia cao cấp, một nhánh nữa nếu đủ năng lực, điều kiện sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo. Chúng ta phải phân luồng như thế chứ không thể để tất cả đều hướng tới mục tiêu có chức danh, chức vụ lãnh đạo, mà phải tính đến phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp. Tiền lương của những chuyên gia cao cấp sẽ tương đương với lương của Bộ trưởng, Thứ trưởng, như vậy mới khuyến khích được đội ngũ chuyên gia. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế thuê chuyên gia cao cấp, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ thêm: Trong những năm qua, Bộ Nội vụ luôn quan tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sát sao, có trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt là Bộ Nội vụ vừa tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương lớn của Đảng trên lĩnh vực ngành, vừa giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn bảo đảm yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và chiến lược lâu dài.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, Bộ Nội vụ luôn quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy công việc kịp tiến độ và đạt hiệu quả.

Chính vì vậy, công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương được duy trì thường xuyên; kịp thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất nhằm tạo sự thống nhất, thông suốt trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao. Đặc biệt là giải quyết những vấn đề có tính liên ngành bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt.

“Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, toàn ngành Nội vụ không chỉ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, mà cần phải phát huy mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn. Muốn làm được điều này đòi hỏi lãnh đạo Bộ và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong Bộ phải đoàn kết, đồng lòng; còn để nội bộ mất đoàn kết là mất tất cả. Với tinh thần như thế năm 2024, toàn ngành Nội vụ quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật