• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn tại các hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ

Mùa mưa bão năm nay đã đến, trong khi cả nước vẫn còn nhiều công trình thuỷ lợi, hồ chứa xuống cấp chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình...

Đảm bảo an toàn quy trình xả lũ

Hiện do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước dâng cao đang khiến nhiều nhà máy thủy điện thông báo xả lũ. Tuy nhiên, nếu xả lũ không đúng quy trình, các hồ chứa sẽ là nguy cơ gây “lũ chồng lũ” cho vùng hạ du.

Do đó, việc xả lũ phải được thực hiện đúng quy trình và hệ thống của các cơ quan phòng, chống thiên tai. Các cơ quan nghiên cứu và nhất là các chủ hồ đã rất tích cực và chủ động trong việc ứng phó, phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn, thông tin... cho chính quyền và người dân đối với công tác xả lũ với mục tiêu quan trọng là đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhà nước và người dân.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm, cứu nạn và Phòng thủ dân sự các tỉnh cũng đã có thông báo khẩn để UBND các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và Nhân dân tại các địa phương thuộc hạ du các hồ đập thủy điện biết để triển khai các công việc cần thiết, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Ngay từ đầu tháng 6/2022, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ trì các cuộc họp đánh giá vận hành hồ chứa thủy điện tại các tỉnh. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra các khu vực trọng yếu.

Các sông lớn của Việt Nam, trong đó hệ thống lớn nhất đó là sông Hồng và sông Mê Kông chiếm 50% lưu vực và nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã nỗ lực kết nối trao đổi thông tin chia sẻ dữ liệu cơ bản với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Năm nay, mưa lớn và diễn biến dị thường. Theo ghi nhận từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì lũ đã về. Theo đề nghị của các chủ hồ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên phải linh hoạt điều chỉnh để kích hoạt quy trình vận hành, điều tiết lũ. Thông thường hàng năm, công tác vận hành các hồ chứa thường là giữa mùa hoặc cuối mùa mưa lũ.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Khi ra quyết định phải xả lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã phải tính đến tất cả kịch bản có nguy cơ rủi ro và rủi ro đến ai, hệ thống công trình ra sao và thậm chí phải tính toán các nguy cơ rủi ro khi phải đóng cửa xả... Khi đóng cửa xả, nước rút quá nhanh sẽ gây ra tình trạng sụt lún, sập mái kè, chân đê".

Kiểm tra, sửa chữa các công trình chứa nước trước mùa mưa bão

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai năm 2022 và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa các đập, hồ chứa nước thủy lợi lớn trên địa bàn.

Tại các tỉnh miền núi Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ... hệ thống đập, hồ thủy lợi khá lớn. Đây là những công trình đa dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ngăn, thoát lũ và từng bước góp phần phát triển du lịch.

Tuy nhiên, nhiều công trình do xây dựng lâu năm nên đã hư hỏng, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp hoặc sửa chữa, nâng cấp không đồng bộ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, hạn chế chức năng tưới, tiêu...

Để kiểm soát an toàn, Yên Bái đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho 28 hồ, đập; Lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc mực nước thấm cho 7/16 hồ; Quan trắc đường bão hòa cho 9/16 hồ; Thiết bị quan trắc mực nước...

Trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều phương án nhằm bảo đảm an toàn công trình hồ, đập thủy lợi, vừa phòng chống thiên tai vừa phục vụ sản xuất cho Nhân dân.

Các tỉnh ở khu vực miền Trung như: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình... đã chỉ đạo địa phương, chủ đầu tư công trình hồ, đập khẩn trương thực hiện giải pháp gia cố, khắc phục hạng mục xuống cấp, sạt lở để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du…

Đảm bảo an toàn tại các hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn kiểm tra thực tế tại hồ Đồng Nghệ

Ngày 6/9, UBND TP Đà Nẵng đã có chuyến thị sát các đập, hồ chứa nước thủy lợi lớn trên địa bàn TP gồm: đập An Trạch - Hà Thanh, hồ Hòa Trung, hồ Đồng Nghệ.

Hiện đa số các đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn Đà Nẵng đã được sửa chữa, cải tạo và nâng cấp nhằm đảm bảo vận hành đập, hồ an toàn phục vụ nước tưới tiêu nông nghiệp và nước sinh hoạt cho đời sống trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, một số đập, hồ chứa nước thủy lợi bị hư hỏng nhẹ cần phải khắc phục sửa chữa.

UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương sửa chữa hư hỏng các đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn TP.

Cụ thể, giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng lập kế hoạch tổ chức sửa chữa, khắc phục ngay những hư hỏng nhỏ của các đập, hồ chứa nước do đơn vị mình quản lý; Sớm lập hồ sơ sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung; Bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để vận hành an toàn các đập, hồ chứa nước...

Tỉnh Quảng Trị có gần 500 công trình thủy lợi, hồ chứa và đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.

Hầu hết các công trình được đầu tư xây dựng cách đây hơn 30 năm. Nhiều hồ đập, nhất là công trình nhỏ và vừa đã và đang bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn khi mưa bão. Giai đoạn 2019-2022, từ nguồn vốn vay 214 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 12 hồ đập thủy lợi lớn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật