Đại biểu Quốc hội “sốt ruột” khi nhiều dự án nhà ở bỏ hoang
Đất đai là tài nguyên vô giá, "tấc đất tấc vàng" nhưng tại nhiều đô thị ở các tỉnh, thành phố, nhiều dự án nhà ở thương mại được xây dựng xong lại bỏ hoang, không có người ở.
Đây là chia sẻ của đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, sáng 21/11.
Trước tình trạng có nhiều dự án nhà ở bỏ hoang, đại biểu Khánh đặt vấn đề việc mở rộng thí điểm sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại có hợp lý hay không. Trong khi đó, nhu cầu thực tế là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp cần được quan tâm hơn.
"Nhu cầu thực là nhà ở xã hội, tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không ban hành các nghị quyết để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người thu nhập thấp, công nhân, những đối tượng không đủ tiền để mua nhà ở thương mại", ông Khánh chia sẻ.
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, ở một số địa phương, người thu nhập thấp, công nhân bốc thăm "5 lần 7 lượt" với mong muốn mua căn nhà ở xã hội dưới 50m2 nhưng chưa được do nguồn cung hạn chế. Trong khi ở nhiều đô thị, nhà ở thương mại xây xong không có người ở.
"Dự án bỏ hoang, mua bán chỉ có trên giấy để kiếm lời, không có người ở", ông Khánh nói và cho rằng với các dự án bỏ hoang như vậy, thì việc mở rộng thí điểm có phù hợp hay không. Do đó, ông đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo cân nhắc các vấn đề nêu trên.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) |
Tương tự, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, hiện chúng ta đã hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Do vậy, khi nghị quyết này được ban hành sẽ có hai mặt bằng pháp lý, việc này tác động đến thị trường bất động sản ra sao cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Giá bất động sản phi mã. Người ta tính một công chức phải vài trăm năm mới mua được nhà. Vậy tại sao cơ chế trong nghị quyết này không được áp dụng với nhà ở xã hội mà chỉ có nhà ở thương mại”, đại biểu đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, góp phần phát triển nhà ở thương mại cũng là chung cho cả xã hội. Tuy nhiên, đối tượng yếu thế không có chính sách gì cả mà lại đề xuất thí điểm chính sách này.
Đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc phạm vi thí điểm, cần có giải pháp để chống được nguy cơ, chống được tình trạng hợp thức hóa thu gom đất đai để phát triển thị trường lành mạnh. Đặc biệt, ngăn chặn thu gom, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa, đất sản xuất…
Trước đó, khi bàn về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về hiệu quả sử dụng quỹ đất dành cho nhà ở thương mại hiện tại.
Theo ông Đồng, cần tránh tình trạng đất đai bị sử dụng không hiệu quả, lợi dụng chính sách nhân văn này để trục lợi. Đồng thời hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ và tích tụ đất đai, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá bất động sản.
Về phạm vi điều chỉnh, vị đại biểu tỉnh Quảng Trị nói, một số địa phương đã báo cáo không gặp vướng mắc trong việc thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Vì vậy, trước mắt nên triển khai thí điểm ở một số địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở thương mại và những địa phương đang gặp khó khăn trong việc triển khai theo quy định hiện hành, sau đó tổng kết, đánh giá và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác