Đà Nẵng: Hiệu quả thiết thực từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng từ mô hình thí điểm đã trở thành đầu mối tham mưu UBND thành phố trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.
BQL ATTP cùng lãnh đạo TP.Đà Nẵng kiểm tra cảng cá Thọ Quang dịp tết |
Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) được thành lập theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, BQL ATTP đóng vai trò chủ trì, phối hợp đồng bộ với các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, góp phần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hành động; các hoạt động bảo đảm ATTP nhanh hơn, hiệu quả hơn…
Lực lượng phản ứng nhanh về ATTP
BQL ATTP TP Đà Nẵng là cơ quan tương đương cấp sở thuộc UBND TP thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của 3 sở gồm Y tế, Công thương và Sở NN&PTNT.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP cho biết, trước đây công tác điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm thuộc Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm điều tra, kiểm tra. Theo phân công, phân cấp quản lý ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chỉ quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Do đó, quá trình phòng ngừa ngộ độc thực phẩm gặp khó khăn do nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đơn cử, nguồn ô nhiễm có thể từ nhà hàng (trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh) và cũng có thể từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cung cấp thực phẩm đầu vào cho nhà hàng (do nguồn nguyên liệu thực phẩm nhiễm độc). Những cơ sở này thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công thương, Sở NN&PTNT nên cần phải có văn bản trao đổi phối hợp giữa các ngành.
Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) được thành lập theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ |
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Hải, việc tập trung vào một cơ quan thực hiện quản lý ATTP đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã giúp công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và tiếp nhận thông tin, ngăn chặn, khắc phục các sự cố về ATTP được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Nguyên do là giảm được việc ban hành văn bản phối hợp qua lại giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan khi có sự cố về mất ATTP.
Ngoài ra, để ngăn chặn và khắc phục các sự cố về ATTP được nhanh chóng, kịp thời BQL ATTP phối hợp Sở Y tế triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp trong sơ cứu, cấp cứu, tiếp nhận, vận chuyển, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, điều tra lâm sàng, lấy hoặc thu giữ mẫu bệnh phẩm; Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm.
Cụ thể, BQL ATTP đã thành lập 4 đội phản ứng nhanh để kịp thời điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm; Thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm từ người dân, cơ sở y tế và doanh nghiệp; Xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; Tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng điều tra ngộ độc thực phẩm cho 160 cán bộ phụ trách công tác quản lý ATTP từ cấp thành phố đến quận huyện và xã phường.
BQL ATTP trao Công nhận cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn 5 sao trên địa bàn thành phố |
Bao quát, tập trung nguồn lực đảm bảo ATTP
Việc tập trung một đầu mối giúp cơ quan quản lý Nhà nước có tầm nhìn về ATTP bao quát hơn; Nhận diện - phân tích và quản lý mối nguy về ATTP có hệ thống toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, việc tập trung một đầu mối, dẫn đến tập trung nguồn lực. Điều này cho phép giải quyết triệt để - chủ động - hiệu quả hơn các vấn đề cấp bách về ATTP; Giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý ATTP, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện. Mọi hoạt động từ thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đều nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe.
Tại báo cáo 5 năm thí điểm thành lập BQL ATTP cho biết giai đoạn 2018 - 2021, BQL ATTP TP.Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra 7.404/7.892 lượt cơ sở, đạt tỷ lệ 93,81% cơ sở được phân cấp quản lý, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 192 cơ sở (2,59%) với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. So với giai đoạn 2013 - 2017, tỷ lệ cơ sở qua thanh tra, kiểm tra tuân thủ quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 13,88%.
Về công tác lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm, giai đoạn 2018 - 2021, tiến hành lấy 3.316 mẫu thực phẩm, kết quả có 3.136 mẫu đạt (94,57%), 180 mẫu không đạt, bình quân hằng năm lấy 829 mẫu/năm, so với giai đoạn 2013 - 2017, bình quân hằng năm lấy 508 mẫu/năm.
Từ những cố gắng trong công tác quản lý ATTP, giai đoạn 2018 - 2021, Đà Nẵng chỉ có 3 vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận với 330 người mắc, không có người tử vong. Đây là con số tiến bộ so với giai đoạn 4 năm trước (2014 - 2017).
BQL ATTP hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cấp mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm chuỗi thịt heo |
Quản lý ATTP chuyên sâu, xuyên suốt
“Việc tập trung đầu mối tiến đến thành lập cơ quan quản lý Nhà nước tuyến tỉnh tương đương cấp sở đã nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về ATTP trong hệ thống hành chính, từ đó được giao thêm trách nhiệm và trao thêm quyền lực để thực thi công vụ; ATTP được quản lý một cách chuyên sâu, xuyên suốt và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP nói.
Cụ thể, đối với thịt gia súc, gia cầm, trong giai đoạn 2018 - 2021, đã lấy 322 mẫu thịt, kết quả có 254 mẫu đạt (78,88%), 68 mẫu không đạt, chủ yếu là nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, hằng năm, Sở NN&PTNT phối hợp BQL ATTP kiểm tra định kỳ việc duy trì điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở giết mổ. Hiện nay, Sở Công thương đang xây dựng Đề án Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung.
Việc tập trung đầu mối cơ quan quản lý nhà nước tuyến tỉnh còn giúp tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn; Việc hướng dẫn, giải đáp, khiếu nại được nhanh chóng hơn.
Minh chứng, BQL ATTP phối hợp với Sở NN&PTNT ký kết hợp tác cung ứng thực phẩm an toàn với 7 Sở NN&PTNT các tỉnh khác, phối hợp trong lấy mẫu thủy sản giám sát ô nhiễm thực phẩm tại Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang.
BQL ATTP cũng phối hợp Sở Công thương xây dựng, công nhận chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP đối với chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, lấy mẫu rau củ quả giám sát ô nhiễm thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường. Các chợ đầu mối cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc mẫu thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Hội nghị đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc tại trường học năm 2022 trên địa bàn thành phố |
Đối với Công an thành phố và Cục QLTT, BQL ATTP chia sẻ thông tin, phục vụ kiểm tra, điều tra tội phạm về ATTP, kiểm tra phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại, điển hình các đơn vị phát hiện, xử lý vi phạm sử dụng nước ngầm không đạt chuẩn để sản xuất nước uống đóng chai, sử dụng chất cấm, phụ gia không rõ nguồn gốc trong sản xuất chả thịt, xử lý vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.
Định kỳ hằng năm, Sở Y tế cùng BQL ATTP kiểm tra 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (22 doanh nghiệp và 40 nhà thuốc), kết hợp tuyên truyền, cảnh báo các cơ sở hành vi biến tướng, lừa đảo trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tại các KCN, trường học, BQL ATTP phối hợp với BQL Khu công nghệ cao và các KCN, Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục các quận, huyện đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể; Tập huấn cho chủ cơ sở và người chế biến thức ăn, bồi dưỡng kiến thức thực hành bảo đảm ATTP cho 592 quản lý, giáo viên cấp dưỡng…