• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công bố Bộ chỉ số FTA Index năm 2024

Chiều 8/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024

Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, Bộ Chỉ số FTA Index năm 2024 đã hoàn thành, bảo đảm khoa học, khách quan, bám sát định hướng, kế hoạch thực thi của Chính phủ và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xây dựng Bộ Chỉ số và được Thủ tướng chấp thuận, cho phép công bố kết quả tại buổi Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024. Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng, thế giới đang thay đổi từng ngày. Điểm rõ nhất là cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng mở rộng và gia tăng, cùng với việc Tổng thống Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng từ 10 - 49% đối với hàng hóa của tất cả các nước khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tác động bất ổn đến trật tự thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do được xem là các “xa lộ lớn”, tạo thuận lợi vượt trội, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia; là “cánh cửa mở” để liên thông kinh tế nước ta với thế giới. 

Nhận thức đúng tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước ta đã sớm đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trung tâm” nhằm tiếp tục khơi thông, từng bước mở rộng quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài và khai thác nguồn lực bên trong cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng và chỉ đạo thực hiện toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế; nổi bật là đã đẩy mạnh đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với hầu hết các quốc gia, các nền kinh tế lớn trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực và thế giới về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp tăng cường đan xen lợi ích, mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và cải thiện cán cân thương mại theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư liên tục trong nhiều năm, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô, đóng góp quan trọng và tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực thi các FTA thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động...; Sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và công bố Bộ Chỉ số FTA Index hàng năm, nhằm tạo lập, cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch, khách quan, toàn diện về mức độ thực thi các cam kết FTA tại từng địa phương; làm căn cứ quan trọng, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hoạch định cơ chế, chính sách điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu bảo đảm sát thực, khả thi nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia, khai thác có hiệu quả các FTA để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; đồng thời, âng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang trải qua nhiều biến động phức tạp, khó đoán định. Bộ Chỉ số còn là minh chứng rõ nét, thể hiện cam kết của Việt Nam về tự do hoá thương mại, cạnh tranh công bằng và hướng tới phát triển bền vững.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với tư vấn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung khảo sát, đánh giá và xây dựng Bộ Chỉ số FTA Index năm 2024; đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn, hội nghị hội thảo đối với các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, các tổ chức quốc tế và khu vực, Đại sứ quán của nhiều quốc gia để hoàn thiện Bộ Chỉ số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

"Đây sẽ là công cụ đánh giá định lượng, khách quan, toàn diện, giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của các địa phương trong cả nước nhằm kịp thời nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình thực thi các cam kết và đề xuất các giải pháp cải thiện cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chính sách sản xuất, xuất nhập khẩu của các cấp chính quyền một cách sát thực, khả thi", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Theo đó, việc đánh giá, công bố kết quả thực thi FTA thông qua Bộ Chỉ số này không chỉ để đo đếm, “so sánh” trong cùng mặt bằng, mà còn là động lực thúc đẩy để các địa phương không ngừng đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực thi có hiệu quả và tối ưu hóa các nguồn lực, các cơ hội từ các FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, góp phần duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững và hiện thực hóa mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế một cách thực chất và hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết