• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các bị hại và gây bức xúc trong Nhân dân.

Giả công an yêu cầu gọi Zalo hình ảnh

Gần đây một thủ đoạn mới được các đối tượng sử dụng đó là giả danh công an gọi Zalo hình ảnh yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích định danh tài khoản. Đây là một trong những thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo...

Mới đây, chủ nhân tài khoản Facebook Đ.H.V đăng tải nội dung: “Em mới bị chị công an online này hỏi thăm với lý do có đăng ký 1 sdt 096… tại Đà Nẵng. Sau đó lên Facebook kêu gọi từ thiện được 58.976.000đ nhưng không mang số tiền đó làm đúng mục đích từ thiện... Vì vậy, chị công an đã gọi điện để hỗ trợ online, chuyển cuộc gọi của em đi gặp tòa án để báo án. Yêu cầu em gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhớ nhìn thẳng, nghiêng trái nghiêng phải. Em nghe công an xong em sợ quá, nói gì em cũng gật...”.

Đối tượng giả mạo công an gọi Zalo hình ảnh, nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân
Đối tượng giả mạo công an gọi Zalo hình ảnh, nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân

Nói về vụ việc trên, một lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết, nếu trước đây, các đối tượng giả dạng công an để lừa tiền trực tiếp, hoặc gọi điện thoại mạo danh cơ quan chức năng.

Gần đây, các đối tượng yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích lấy định danh tài khoản. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo...

“Nếu mọi người đã từng mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ biết cần phải có 1 bước gọi là KYC (định danh cá nhân) để kích hoạt tài khoản. Định danh bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống..." - một chuyên gia an ninh của ngân hàng giải thích về định danh cá nhân.

Từ vụ việc nêu trên, Công an TP Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng khuyến cáo, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình.

Không chỉ vậy, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu, bằng khen…; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.

Cơ quan công an đã nhiều lần khuyến cáo, lực lượng công an không làm việc online, không làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở. Công an TP Hà Nội đề nghị, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bảo mật thẻ Visa khi liên kết sử dụng Facebook

Cùng với việc giả danh công an gọi điện hình ảnh qua Zalo để lừa đảo, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều vụ thông qua liên kết quảng cáo của Facebook để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của các cá nhân.

Xuất hiện nhiều vụ hack tài khoản thẻ Visa khi liên kết Facebok Ads
Xuất hiện nhiều vụ hack tài khoản thẻ Visa khi liên kết Facebok Ads

Mới đây một phụ nữ (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đăng tải video chia sẻ về việc tiền trong thẻ Visa của chị bỗng nhiên “bốc hơi” nhanh chóng. Theo hình ảnh chị đăng tải, tài khoản thẻ Visa của chị liên tục nhận được thông báo trừ tiền, từ 1 vài triệu đến cả chục triệu. Tổng cộng số tiền bị trừ trong tài khoản lên đến 100 triệu đồng.

Theo bị hại, do thẻ Visa của người này được liên kết với Facebook nhằm mục đích chạy quảng cáo phục vụ công việc và thỉnh thoảng có bị trừ tiền chi phí. Tuy nhiên khi các giao dịch trừ tiền xuất hiện với tần số dày đặc hơn và giá trị lớn hơn thì nạn nhân mới “tá hỏa” khóa thẻ và sau đó đến làm việc trực tiếp tại ngân hàng.

Khi câu chuyện trên được chia sẻ, rất nhiều người để lại bình luận rằng mình cũng đã từng rơi vào tình trạng hack tiền thẻ Visa tương tự. Anh N.V.H, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, anh có liên kết thẻ Visa của mình với một ứng dụng để thanh toán đặt phòng du lịch và sau đó khoảng 1 tuần thì thẻ của anh bị hack tiền.

Anh H cho rằng, thông tin liên kết thẻ qua Facebook dễ bị rò rỉ là do quá trình liên kết thẻ hay tài khoản ngân hàng vào ứng dụng này không cần qua xác minh hai lớp. Theo đó, khi tài khoản của người dùng bắt đầu trừ tiền thì ứng dụng sẽ xác nhận liên kết mà không cần mã OTP.

Anh Lê Quân, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - một người chạy quảng cáo trên nền tảng Facebook cho biết: Khi sử dụng ứng dụng Facebook Ads, người sử dụng bắt buộc phải có thẻ Visa hoặc ví điện tử như Momo để Facebook thu phí hoặc trả phí thanh toán. Nếu không may bị lộ thông tin các loại tài khoàn này, người dùng rất dễ bị đối tượng xấu hack tài khoản.

Theo các chuyên gia an ninh ngân hàng, Facebook là ứng dụng được sử dụng phổ biến, tuy vậy không gian Facebook Ads còn để lại rất nhiều lỗ hổng đối với thông tin người dùng khi liên kết để sử dụng tính năng này. Người dùng cần cẩn trọng bảo mật thông tin cá nhân để tránh những mánh khóe lừa đảo của kẻ gian.

Thêm vào đó, người dùng thẻ Visa cũng cần bảo mật số CVV, được ghi ở mặt sau của thẻ vật lý cùng với số thẻ. Bởi chỉ cần sơ ý để lộ sẽ trở thành lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng thực hiện những giao dịch gian lận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật