• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần giải quyết hài hòa quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng, cần có “địa chỉ” rõ ràng, ngắn gọn, điều hoà giá trị gia tăng từ đất đai, bảo đảm công bằng giữa người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.

Sửa đổi Luật Đất đai: Cần giải quyết hài hòa quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư
Sửa đổi Luật Đất đai, cần giải quyết hài hòa quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây (7/3), Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định: Luật Đất đai rất quan trọng, có thể coi là luật gốc, tác động đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống Nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công chuẩn bị, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều văn bản tham gia và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung.

Việc nông dân tích cực tham gia chuyển đổi, tập trung đất đai, hợp tác, liên kết trong sản xuất đã góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao từng bước phát triển, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, làm thay đổi và tạo ra phương thức sản xuất mới.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong những năm qua cũng cho thấy một bộ phận nông dân bị tác động ảnh hưởng rất lớn và thường chịu thiệt thòi do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng làm phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời, một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất, không còn sinh kế trong khi các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội; đặc biệt là vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, qua các hội nghị và thức tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố, đa số các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện.

Không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...

Do đó, bà Hoa đề nghị dự thảo Luật Đất đai cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo" để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Để tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đề nghị không quyết định hạn mức bằng 15 lần giao đất mà theo nhu cầu, dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Nêu ý kiến tại Điều 78 Luật Đất đai (dự thảo) về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, bà Hoa cho rằng, cần quy định rõ thành 3 nhóm thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia công cộng.

Cụ thể, nhóm 1: Thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; Nhóm 2: Thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại; Nhóm 3: Thu hồi đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.

"Việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ nông dân không mang tính các công trình trọng điểm, mà Nhà nước thu hồi mang tính thương mại, dịch vụ giao cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì giá đất này phải có thỏa thuận với người bị thu hồi đất", Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội nêu quan điểm.

ội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều 7/3
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai; cho rằng, việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, của mỗi người dân. Người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện; Tháo gỡ bằng được những khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước, bịt các lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Việc sửa đổi Luật được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Các đơn vị có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt trong các trường hợp: Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan