• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất

Công nghiệp hóa chất là một ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vì sao cần cơ chế, chính sách đủ mạnh?

Sáng 7/2/2025, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Đến dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Cần chính sách đủ mạnh để phát triển công nghiệp hóa chất

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về tên gọi của Luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa tên Luật để bao trùm hơn; đề nghị đổi tên thành Luật Công nghiệp hóa chất.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) thấy rằng, tên gọi Luật Hóa chất là phù hợp, bao quát đầy đủ nội dung 4 chính sách của Luật, kế thừa tên gọi của Luật Hóa chất hiện hành. "Nếu đổi tên thành Luật Công nghiệp hóa chất thì phạm vi điều chỉnh của Luật có thể sẽ bị thu hẹp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cho giữ tên gọi Luật Hóa chất" - ông Lê Quang Huy nói.

Về ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 7), một số ý kiến đề nghị rà soát, đối chiếu quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với quy định của Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có ý kiến đề nghị không quy định ưu đãi đối với sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong Luật này để tránh chồng chéo với quy định của Luật Dược.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho hay, công nghiệp hóa chất là một ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương nhận thức chưa thực sự đầy đủ, lo ngại nguy cơ ô nhiễm, nguy hiểm nên có chủ trương không thu hút đầu tư các dự án hóa chất, làm cho các nhà đầu tư dè dặt, gặp nhiều khó khăn.

"Do đó, cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất" - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Dự thảo Luật kèm theo Tờ trình số 371/TTr-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ đã có quy định về các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (khoản 1 Điều 7) và dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực này phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ thì được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan (khoản 3 Điều 7).

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn triển khai các dự án hóa chất, hỗ trợ công bằng cho các nhà đầu tư.

Về ý kiến cho rằng không quy định ưu đãi đối với sản xuất nguyên liệu làm thuốc, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT xin báo cáo, theo Tờ trình số 371/TTr-CP của Chính phủ, lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm sản xuất sản phẩm hóa dược là nguyên liệu làm thuốc và được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư.

Để tránh chồng chéo với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược theo quy định tại Luật Dược, dự thảo Luật đã chỉnh lý khái niệm “sản phẩm hóa dược” (khoản 11 Điều 2) cho phù hợp.

Về quảng cáo hóa chất (Điều 29), có ý kiến đề nghị không nên quy định về quảng cáo hóa chất nguy hiểm do có thể bị lợi dụng, gây nguy hiểm cho xã hội; cần rà soát, đối chiếu với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Về nội dung này, hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có quy định: “Chính phủ quy định danh mục, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt”.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại Điều 29 theo hướng quy định hoạt động quảng cáo hóa chất thực hiện theo các quy định của pháp luật về quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt và quy định yêu cầu nội dung bắt buộc đối với việc quảng cáo hóa chất nguy hiểm để bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động này. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo hóa chất.

Đẩy mạnh phân cấp, phần quyền trong quản lý

Về xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (Điều 36) và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh (Điều 41), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với các kế hoạch phòng ngừa sự cố khác.

Cần chính sách đủ mạnh để phát triển công nghiệp hóa chất

Các đại biểu tham dự phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT xin báo cáo: Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu để xây dựng phương án lồng ghép, tích hợp Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và các kế hoạch ứng phó sự cố khác (quy định trong Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn, vệ sinh lao động...).

Tuy nhiên, do có sự khác nhau về nội dung, đối tượng thực hiện và thẩm quyền ban hành của các loại kế hoạch, việc thực hiện lồng ghép, tích hợp là khó khả thi. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị giữ Điều 36 như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị thực hiện và phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất sau thời điểm nghiệm thu báo cáo nghiên cứu khả thi, trước khi chính thức đưa công trình vào hoạt động.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, pháp luật về hóa chất hiện hành chưa quy định rõ về thời điểm thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, do vậy đa phần chủ đầu tư sau khi hoàn thành việc xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án, chuẩn bị đưa vào hoạt động chính thức thì mới thực hiện thủ tục trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Điều này dẫn tới việc phải sửa đổi kết cấu xây dựng hoặc không thể phê duyệt Kế hoạch này do không bảo đảm an toàn.

Việc thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) như quy định tại điểm d khoản 2 Điều 36 vừa bảo đảm hiệu quả trong công tác thẩm định, phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước, vừa giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh do phải sửa đổi kết cấu xây dựng; việc kiểm tra, phê duyệt Kế hoạch này sẽ được kết hợp trong quá trình kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng, không phát sinh thủ tục hành chính. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị giữ Điều 36 như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất cho địa phương; đề nghị giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế địa phương để xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, cân nhắc thời gian diễn tập cho phù hợp.

Về nội dung này, theo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, việc phân cấp thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh là phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Khi xây dựng Kế hoạch này, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn, nguồn lực của địa phương để xác định quy mô, tần suất thời gian… của các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh cho phù hợp. Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này (khoản 3 Điều 41). Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý khoản 2 Điều 41 theo hướng bổ sung quy định cho phép có thể lồng ghép cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh với các cuộc diễn tập ứng phó sự cố khác trên địa bàn.

Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ

Về quản lý nhà nước về hóa chất (Điều 47), một số ý kiến đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm chính của Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ và UBND các cấp; đồng thời quy định Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất (khoản 2 Điều 47) và Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp. Quy định này là phù hợp với định hướng đổi mới công tác xây dựng pháp luật hiện nay.

Ngoài nội dung nêu trên, Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 47 về việc giao Bộ Công Thương thống nhất quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; còn các hoạt động liên quan đến sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ do các bộ, ngành khác quản lý để phù hợp với phạm vi quy định tại khoản 26 Điều 2 về khái niệm “sử dụng hóa chất”. Do đó, khoản 2 Điều 47 dự thảo Luật đang thể hiện theo 02 phương án:

Phương án 1: Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 47 của dự thảo Luật như đề nghị của Cơ quan chủ trì soạn thảo.

Phương án 2: Không bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 47 của dự thảo Luật (theo đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về công tác quản lý nhà nước về hóa chất nói chung, bao gồm cả quản lý nhà nước về hóa chất cần kiểm soát đặc biệt). "Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với Phương án 2" - ông Lê Quang Huy nêu.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH, thể hiện lại văn phong, sắp xếp bố cục dự thảo Luật cho khoa học và hợp lý hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương, 50 Điều, giảm 39 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết