• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Tài chính làm việc với Giám đốc ADB tại Việt Nam về vốn ODA

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị, thời gian tới, ADB tiếp tục phối hợp triển khai sớm các dự án thuộc danh mục Dự án huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngày 22/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Phớc, hiện nay ADB tài trợ nhiều dự án tại Việt Nam, như: Dự án Cơ sở hạ tầng cơ bản cho sự phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3; Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long - tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên…

Trong quá trình hợp tác, giữa hai bên cũng có một số vướng mắc cần tìm giải pháp tháo gỡ, thống nhất về mặt pháp lý liên quan đến quy định của nhà tài trợ và quy định của Việt Nam. Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với cơ quan liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Đấu thầu, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP và văn bản liên quan đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư dự án, thúc đẩy quá trình thực hiện dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn.

“Trong nhiều năm qua, ADB luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua cung cấp tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính để thực hiện các công trình, hạ tầng tại Việt Nam. Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp cùng cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, gia hạn các dự án đang đúng thời hạn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính làm việc với Giám đốc ADB tại Việt Nam về vốn ODA- Ảnh 1.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tặng quà lưu niệm cho ông Shantanu Chakraborty tại buổi làm việc.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB - đánh giá cao tiến độ thực hiện một số dự án huy động vốn từ ADB của Việt Nam. Ông Shantanu Chakraborty hy vọng ADB sẽ nối lại hoạt động cho vay đối với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có một số dự án thuộc danh mục dự án huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình hợp tác giữa hai bên, phía ADB sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam, Bộ Tài chính để tìm giải pháp tháo gỡ.

Vốn của ADB nói riêng và vay ưu đãi nói chung là nguồn lực hết sức quan trọng để tập trung đầu tư phát triển. Từ năm 2021 đến nay, các khoản vay ODA của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế (WB, JICA, KOICA,…) đều giảm. Nợ công của Việt Nam năm 2021 khoảng 43,1% GDP và hiện nay giảm về mức 37% GDP.

Giai đoạn 2024-2026, danh mục dự án dự kiến của ADB tại Việt Nam gồm 23 dự án, với tổng giá trị gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, việc có thể huy động vốn vay trong giai đoạn này có đạt được hay không phụ thuộc lớn vào tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước của các dự án.

Đến nay, ADB đã cam kết 456 khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực công của Việt Nam với tổng giá trị 16,5 tỷ USD. Tổng giá trị giải ngân lũy kế các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 11,96 tỷ USD.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật