• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Năm nay Bộ TT&TT sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, nhất là các dữ liệu của doanh nghiệp

Tại Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năn 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ ngày 10/7/2024 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm nay, Bộ TT&TT sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, nhất là các dữ liệu của doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hết 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế số (KTS) Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tăng 22,4%. Như vậy, mục tiêu mà Đại hội 13 của Đảng đặt ra, KTS đạt 20% vào năm 2025 là sẽ đạt được.

Công nghiệp CNTT và truyền thông đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước Covid-19, thậm chí cao hơn, 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ là 26%. Tăng cao như vậy một phần là do năm ngoái, năm 2023 tăng trưởng -5%. 

"Lần đầu tiên, chúng ta đang soạn thảo một bộ luật riêng cho phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông, gọi là Luật phát triển công nghiệp công nghệ số (CNS), dự kiến Quốc hội sẽ thông qua năm 2025" - Bộ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng tiết lộ, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước có một bộ luật riêng về phát triển công nghiệp CNS, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công nghiệp CNS như một ngành công nghiệp nền tảng, làm cốt lõi để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển KTS. Công nghiệp CNS là lõi của KTS. Giai đoạn đầu của KTS, tức là trước năm 2025, nó có thể chiếm tới 60% nền KTS, nhưng về lâu dài, sau năm 2030, sẽ chỉ còn 40% rồi 30% nền KTS.

Phát triển KTS các ngành là sự hội tụ của CNS vào các ngành khác, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, ngân hàng, v.v... Sự hội tụ của CNS vào các ngành công nghiệp khác không chỉ là hiện đại hoá, số hoá các ngành công nghiệp này mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo thành động lực chính cho tăng trưởng của các ngành. KTS của các ngành sẽ là phần chính của KTS, nó sẽ chiếm tới 70% KTS.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2024, mỗi bộ ngành và địa phương phải tổ chức một hội nghị chuyên đề về phát triển KTS ngành mình, địa phương mình. Bộ TT&TT đã ban hành hướng dẫn về đo lường KTS, về phát triển KTS của các địa phương.

Theo bộ trưởng, về phát triển dữ liệu số như là yếu tố sản xuất mới, là đầu vào của KTS. Dữ liệu số là một loại tài nguyên mới. Tài nguyên này là do con người sử dụng CNS mà sinh ra. Bình thường thì khi phát triển, con người tiêu xài và làm cạn kiệt các loại tài nguyên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, khi phát triển, con người sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu số. Dữ liệu số phải được tạo ra, mà đầu tiên là các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Chính phủ vừa ban hành một Nghị định về phát triển các cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và cấp bộ ngành.

Muốn phát triển KTS nhanh thì phải nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mỗi bộ ngành và địa phương phải có một đề án như đề án 06 của Bộ Công an, các đề án này nên tập trung vào làm dữ liệu cốt lõi của ngành mình, địa phương mình. Tiếp theo là dữ liệu phải được mua bán như là hàng hoá. 

"Năm nay, Bộ TT&TT sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, nhất là các dữ liệu của doanh nghiệp" - Bộ trưởng khẳng định.

Về quản trị số, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng một Kế hoạch hành động về xây dựng Chính phủ số (CPS) chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Để làm được việc này thì tất cả các bộ ngành và địa phương phải kết nối online về Chính phủ. Các bộ ngành và địa phương vì vậy cũng phải chuyển đổi số (CĐS) các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp mình một cách trực tuyến và dựa trên dữ liệu. 

Đây sẽ là một sự thay đổi căn bản về quản trị số của cơ quan nhà nước, cấp trên kết nối trực tiếp vào hệ thống CNTT của cấp dưới để lấy dữ liệu phục vụ quản lý đảm bảo chính xác và tức thời, không còn cấp dưới báo cáo số liệu cấp trên bằng văn bản. Sau khi Kế hoạch này được ban hành thì sẽ có một hướng dẫn để các bộ ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động của mình.

Không có CĐS cấp địa phương thì không có CĐS cấp bộ ngành, và không có CĐS cấp bộ ngành thì không có CĐS cấp Chính phủ. Kế hoạch hành động này có nhiều việc để làm, nhưng có một việc duy nhất quyết định tất cả các việc còn lại là hoạt động hằng ngày của cán bộ công viên chức từ cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền phải được thực hiện trên môi trường số, nếu không thì phải được nhập vào hệ thống một cách định kỳ. Bởi vậy mà việc quan trọng nhất của CĐS là các cấp chính quyền phải thể chế hoá, có quy định về làm việc trên môi trường số và nhập liệu đối với từng cán bộ công viên chức.

Sau khi đã số hoá toàn diện thì việc phân tích đánh giá, phát hiện vấn đề, thay đổi vận hành của hệ thống sẽ chỉ là phần mềm, là vấn đề công nghệ. Kế hoạch hành động về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ một cách trực tuyến và dựa trên dữ liệu tập trung vào năm 2024-2025, nhưng có định hướng tới 2030.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong tháng 6/2024, Uỷ ban Quốc gia về CĐS đã tổ chức hội nghị về mô hình CĐS thành công cấp bộ ngành tại Toà án nhân dân tối cao và sẽ tổ chức thêm 2 hội nghị trong quý 3 về mô hình dịch vụ công trực tuyến và mô hình trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh. Các bộ ngành và địa phương được đề xuất tham chiếu đến các mô hình này để kết thúc thúc đẩy CĐS. Ứng dụng AI hiệu quả nhất hiện nay là làm trợ lý ảo, trợ lý công việc trong việc hiểu và áp dụng các văn bản pháp luật. Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn phát triển trợ lý ảo trong quý 3.

"Về đào tạo CĐS cho người đứng đầu các cấp. Trong CĐS thì Chuyển đổi là danh từ chính, Số là tính từ, công nghệ số chỉ là công cụ để thực hiện chuyển đổi. CĐS là số hóa toàn diện và sau đó là thay đổi cách thức vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công" - Bộ trưởng nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật