Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Gõ cửa 3 quê để xác nhận độc thân
Mặc dù có đến 7 phương thức xác minh cư trú thay thế sổ hộ khẩu giấy nhưng hiện nay nhiều người dân vẫn "cười ra nước mắt" khi thực hiện thủ tục hành chính bị yêu cầu xin giấy xác nhận cư trú.
Lời tòa soạn
Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử". Theo Bộ Công an, có 7 phương thức để thay thế sổ hộ khẩu, trong đó chủ yếu thực hiện trên không gian Internet. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" khi bỏ hộ khẩu giấy, người dân phải ngược xuôi đi xác nhận cư trú. PV VietNamNet trực tiếp ghi nhận tại các địa phương.
Những chuyện cười ra nước mắt
Tại TP.HCM, sau khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân một số quận, huyện đi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự vẫn phải xin giấy xác nhận nơi cư trú như liên quan việc đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giao dịch đất đai.
Chị N. (33 tuổi, thường trú tại quận Gò Vấp) khi làm thủ tục vay vốn được ngân hàng yêu cầu phải có giấy xác nhận độc thân. Khi chị N. tìm đến UBND phường 14 của quận Gò Vấp và xuất trình CCCD gắn chíp để làm thủ tục này thì được cán bộ tư pháp hộ tịch hướng dẫn qua công an để xin xác nhận thường trú (CT07).
Chị thắc mắc vì sao đã có CCCD gắn chíp mà vẫn phải xin thêm giấy xác nhận thường trú, cán bộ phường 14 lý giải: Do chị N. "mới chuyển đến phường 14 thường trú được 1 năm".
"Cán bộ tư pháp hộ tịch hướng dẫn tôi về nơi thường trú trước đó để xin giấy xác nhận thường trú nhằm hoàn tất thủ tục xin giấy xác nhận độc thân theo từng giai đoạn", chị N. chia sẻ.
Cũng theo chị N., chị phải về quê ở tận Bình Định (nơi sinh ra và lớn lên) liên hệ với tổ trưởng để xác nhận thông tin cư trú, sau đó qua hộ tịch xác nhận giấy chứng nhận độc thân.
"Tương tự, tại TP.HCM, tôi đến công an phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (nơi tôi sinh sống 4 năm) để xin tiếp giấy xác nhận nơi cư trú, mẫu CT07. Sau khi được công an xác nhận, tôi mang giấy này với giấy xác nhận độc thân ở quê đến hộ tịch phường Tân Thới Hiệp hoàn tất các thủ tục để được xác nhận độc thân giai đoạn thường trú tiếp theo”- chị N. chia sẻ.
Sau khi hoàn tất quá trình trên, cán bộ tư pháp hộ tịch phường 14, quận Gò Vấp mới hoàn thành thủ tục chứng nhận độc thân cho người phụ nữ 33 tuổi.
Hành trình gõ cửa 3 nơi để xin xác nhận khiến chị N. bức xúc: "Như này là làm khó cho dân quá, trong khi những thông tin trên đều đã có trong CCCD gắn chíp, số định danh".
Tương tự, anh N.T.T. (32 tuổi, trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chia sẻ câu chuyện “dở khóc dở cười” khi liên tục phải đi xin xác nhận cư trú gần 2 năm nay.
Theo anh T., tháng 4/2022, anh cần làm thủ tục đứng tên bìa đỏ bất động sản. Vì hộ khẩu giấy không còn nên phía văn phòng công chứng yêu cầu phải có giấy xác nhận cư trú. Anh lên Công an phường Thanh Bình và được cán bộ trực ban cấp cho ngay. Tuy nhiên, tờ giấy chỉ có hiệu lực 1 tháng, nên tháng sau và nhiều lần sau đó anh T. phải trở lại xin giấy xác nhận cư trú để thực hiện các quyền về tài sản của mình khi mua bán.
Bà Nguyễn Thị T.H (42 tuổi, trú tại phường Nghĩa Xã, quận Lê Chân, Hải Phòng) cũng bộc bạch, bà cần sang tên mảnh đất cho người khác, ra bộ phận 1 cửa nộp hồ sơ, chính quyền yêu cầu phải xin giấy xác nhận cư trú, thay cho hộ khẩu giấy.
“Sáng 27/2, tôi ra UBND phường Nghĩa Xã, bộ phận 1 cửa hướng dẫn tôi qua làm việc với công an phường. Khi gặp trực ban của công an thì được cung cấp số điện thoại của cảnh sát khu vực. Khi gọi cho cảnh sát khu vực thì cán bộ này hẹn 14h quay lại”.
Còn bà Trần Linh, trú tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) kể đi lên công an xã 3 lần chưa xin được giấy xác nhận cư trú để xin chuyển học cho con; do cảnh sát khu vực bận đi học, tập huấn,...
"Mắc kẹt" vì giấy cư trú
Từ đầu năm 2023 đến nay, một công ty may mặc trụ sở tại Bắc Giang tuyển mới hơn 100 công nhân. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, người lao động vẫn cần phải có giấy xác nhận cư trú mới đủ thủ tục tiếp nhận vào làm việc.
Theo đó, giấy xác nhận cư trú dùng để xác định nơi ở, nhân thân và sau đó là thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội, thuế và các vấn đề liên quan đến người lao động.
Đại diện công ty may trên cho biết: "Doanh nghiệp không có thiết bị đọc CCCD gắn chíp cho nên việc buộc người lao động xin giấy xác nhận cư trú là điều kiện bắt buộc. Dù biết người lao động sẽ gặp phải những phiền hà nhất định nhưng quy định hiện nay vẫn chưa cho phép công ty làm khác được".
Tương tự tại Hải Dương, một người dân phản ánh với VietNamNet, khi đi xin việc ở khu công nghiệp thì nhận được yêu cầu phải có giấy xác nhận cư trú. Sau đó, người dân về phường xin giấy xác nhận cư trú thì cán bộ quả quyết "CCCD gắn chíp đã có hết thông tin rồi, không cần phải xác nhận".
Lãnh đạo TP Hải Dương thông tin với PV VietNamNet, từ ngày 1/7/2021, Công an TP Hải Dương đã chủ động thu hồi hộ khẩu giấy vì địa phương đã giải quyết làm các thủ tục cư trú, biến động dân cư trên không gian mạng.
“Theo luật cư trú, những trường hợp đến giải quyết hộ khẩu thay đổi, phát sinh, công an sẽ thu hồi sổ giấy. Đây là chủ trương chung trên cả nước. Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị, nên không thu hồi nữa. Những trường hợp đã bị thu hồi từ đó đến 2023 phải đi xin giấy xác nhận tình trạng cư trú, thời hiệu 30 ngày khi công dân đi làm các thủ tục đất đai… Đây là động lực cho chính quyền và nhân dân cần đẩy nhanh tiến độ cấp chứng nhận định danh điện tử, để đồng bộ hóa mọi giao dịch trên hệ thống không gian mạng”, vị lãnh đạo này nói rõ.
Liên quan đến việc người dân khó khăn trong việc xin giấy xác nhận cư trú, nhiều địa phương ở các quận, huyện của Hải Phòng đã chủ động tìm giải pháp, yêu cầu 1 cán bộ công an ngồi cùng với 1 cửa ở UBND để dân tới có thể cấp ngay.
Lãnh đạo Công an phường Thành Tô (TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị yêu cầu trực ban ca nào thì cán bộ đó lên máy lấy dữ liệu và cấp xác nhận cho dân tại ca đó, không yêu cầu dân đi tìm cảnh sát khu vực. Tuy nhiên, để cán bộ công an trực ban có thể cấp được giấy cư trú thì vẫn phải tham vấn thêm thực trạng ăn ở của công dân qua cảnh sát khu vực phụ trách.
Thủ tướng: Không yêu cầu xác nhận cư trú Sáng 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ. Tại đây, Thủ tướng cho biết, không yêu cầu xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”. Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ rõ: Người dân vẫn còn phản ánh nhiều về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy. |
7 phương thức xác minh cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu 1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. 2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp. 3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD. 4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính. 5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng). 6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). 7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). |
Kỳ 2: Bỏ sổ hộ khẩu giấy, bán mảnh đất bay 4 chuyến xin giấy xác nhận cư trú