Anh vẫn nhập khẩu dầu Nga thông qua các nước khác
Vương quốc Anh vẫn đang tiếp tục mua dầu của Nga nhưng trên giấy tờ ghi nước nhập khẩu là các quốc gia khác, theo tờ Sunday Times của Anh.
Theo bài báo, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, có ít nhất 39 tàu vận chuyển lượng dầu Nga trị giá hơn 238 triệu USD đã đến các cảng của Anh, mặc dù chúng "được phân loại là hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác".
Theo đó, tổng cộng kể từ tháng 3 đã có một khối lượng dầu của Nga trị giá 926 triệu USD đã đến 10 cảng của Anh, ấn phẩm cho biết. Tuy nhiên trên giấy tờ nước nhập khẩu có thể được ghi là các quốc gia khác.
Chỉ riêng cảng Immingham của Anh đã tiếp nhận tổng lượng dầu trị giá khoảng 27 triệu USD của Nga kể từ tháng 3. Số dầu này đã được đăng ký trên giấy tờ là hàng nhập khẩu từ Đức, Hà Lan và Bỉ.
Bài viết lưu ý rằng lượng dầu của Nga trị giá hơn 93 triệu USD đã cập cảng của Anh vào tháng 6, mặc dù Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết trong tháng 6 nước này không nhập khẩu dầu từ Nga. Dầu được nhập khẩu chính thức vào Anh trong tháng 6 được ghi nhận là nhập khẩu từ Hà Lan, Estonia, Ba Lan hoặc Bỉ.
Theo Sunday Times, các chuyên gia cho rằng quy tắc đăng ký của Anh có thể gây khó khăn cho việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga.
Theo giải thích của ấn phẩm, trên giấy tờ ghi quốc gia nhập khẩu là quốc gia gửi hàng chứ không ghi xuất xứ của hàng hóa đó. Ví dụ, một lô hàng sản xuất tại Trung Quốc ở Anh có thể được đăng ký là hàng từ Đức nếu nó được nhập khẩu bởi một công ty Đức.
Tờ báo lưu ý rằng việc nhập khẩu dầu của Nga vào Anh vẫn là hợp pháp cho đến ngày 5/12, khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực.
Ở động thái liên quan, ngày 3/11, chính phủ Anh thông báo cấm các nước sử dụng các dịch vụ của Anh để vận chuyển dầu thô Nga, trừ phi dầu này được mua bằng hoặc dưới mức trần do G7 và Australia thiết lập.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12, cùng thời điểm lệnh cấm nhập dầu Nga của EU có hiệu lực. Lệnh cấm lần này được áp dụng lên các dịch vụ như bảo hiểm, môi giới, vận chuyển
Động thái trên được đưa ra sau quyết định hồi tháng 9 của các bộ trưởng tài chính nhóm G7, rằng sẽ áp trần giá để vừa chặn nguồn tài chính mà Nga cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng vẫn đảm bảo các nước thứ 3 mua được dầu.
Mức giá trần với dầu thô Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12. Còn các sản phẩm từ dầu sẽ bị áp giá trần từ ngày 5/2 năm sau.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hồi đầu tháng 9 đã đề xuất với Hội đồng Năng lượng EU về việc thiết lập mức giá trần khí đốt lên Nga.
Tuy nhiên, một số thành viên của khối như Bỉ, Hy Lạp, Ý và Ba Lan nhiều lần yêu cầu EU thông qua đề xuất áp giá trần lên khí đốt Nga. Trong khi đó, một số thành viên khác như Đức, Hungary liên tục cảnh báo rằng việc áp giá trần khí đốt Nga sẽ khiến EU gặp khó trong việc đảm bảo nguồn cung từ thị trường quốc tế.
Sau nhiều phiên họp chưa thống nhất được, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ họp tiếp vào ngày 24/11 tới để quyết định. Để việc áp giá trần khí đốt Nga được thông qua, khối này cần sự đồng thuận của ít nhất 15 nước thành viên.