• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xếp hàng chờ giải ngân vốn vay

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nhưng tình trạng doanh nghiệp “xếp hàng” chờ giải ngân vẫn diễn ra.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh các ngân hàng không từ chối hồ sơ vay nhưng duyệt rồi... để đó.

Dài cổ chờ giải ngân

Chị Hải Yến, Giám đốc Công ty CTL, cho biết thời gian qua việc kinh doanh của công ty chị gần như ngưng trệ vì dòng tiền không có. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), CTL triển khai nhiều dự án ở Lâm Đồng trong đó có dự án đã ra sổ đỏ từng nền, có dự án vẫn còn là đất nông nghiệp. Thế nhưng từ đầu năm đến nay công ty làm hồ sơ vay vốn ngân hàng (NH) đều không được duyệt khiến các dự án đều dở dang.

Không chỉ doanh nghiệp (DN) khó khăn trong việc tiếp cận vốn, những khách hàng mua đất cũng chung cảnh ngộ. Nhiều người cho biết họ thế chấp đất vay tiền NH nhưng dù có thông báo cấp tín dụng cả tháng nay nhưng giải ngân vẫn mất hút. “Nhà băng nào cũng giải thích phải chờ người cũ trả rồi sẽ lấy tiền đó giải ngân cho khách hàng mới. Tín dụng có hạn nhưng số người vay tiền đang còn xếp hàng khá dài nên chưa đến lượt mình…”, chị Hải Yến than.

Anh Hoàng Hải, chủ một công ty chuyên cho thuê văn phòng ở TP.HCM, cũng điêu đứng vì rơi vào tình trạng được vay vốn nhưng không giải ngân. Anh Hải kể nhà băng mà anh vay đã có thông báo cấp tín dụng từ tháng 6 khiến anh khấp khởi mừng. Thế nhưng đã gần 4 tháng trôi qua, đến nay NH vẫn chưa thể giải ngân số tiền 18 tỉ đồng mà anh vay. Quá khó khăn, mới đây anh Hoàng Hải đã phải bán luôn chiếc xe ô tô đang chạy lấy tiền chi trả lương và lãi vay cũng như các hoạt động cứng của công ty. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giúp công ty anh Hải cầm cự được khoảng 2 - 3 tháng. Nếu sau thời điểm này NH vẫn không giải ngân thì những kế hoạch kinh doanh của công ty xem như “đứng bánh”, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.

“Để duy trì hoạt động của công ty, tôi phải bán dần các tài sản đang có. Tuy nhiên việc bán tài sản, nhất là đất đai hiện nay cũng không phải dễ dàng. Bên NH liên tục hứa sẽ sớm giải ngân nhưng chả thấy đâu. Họ nói phải chờ khách hàng cũ trả rồi mới cho khách hàng mới vay. Có vẻ như số tiền giải ngân thêm chỉ đủ phục vụ cho các hồ sơ đang chờ sẵn từ trước. Vì vậy, có thông báo cho vay nhưng NH hết hạn mức cũng không thể giải ngân một lúc mà theo từng đợt. Lúc này không thể tính đến chuyện phát triển mà chỉ dám cố gắng làm sao để tồn tại được là tốt lắm rồi”, anh Hoàng Hải thở dài.

Xếp hàng chờ giải ngân vốn vay - ảnh 1

Việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn. Ngọc Thắng

Theo lãnh đạo công ty BĐS Phú Long, thì DN này đã làm hồ sơ vay số tiền gần 500 tỉ đồng để triển khai một dự án BĐS tại H.Nhà Bè. NH đã thẩm định và có thông báo về giá trị tài sản, các phương án thế chấp, phương án vay vốn đã xong nhưng từ tháng 5 đến nay vẫn chưa thể giải ngân được. NH cũng không thông báo chính thức là có cho hay không, khi nào được vay mà chỉ thông báo chung chung là khi nào có room sẽ gọi lên và ưu tiên giải ngân.

Trong khi đó, việc buôn bán kinh doanh của DN gần như đã ngưng trệ. Bán hàng không được, tiền thanh toán của khách hàng cũng thu về nhỏ giọt do hầu hết đều gặp khó khăn nên xin giãn tiến độ. Đầu vào không có mà các khoản chi phí cố định như lương, tiền thuê mặt bằng, tiền xây dựng, tiền lãi vay… vẫn phải trả hằng tháng khiến DN đuối sức. “Thu không đủ chi, mất cân đối ngày càng trầm trọng khiến việc hoạt động kinh doanh của DN gần như bị đình trệ mấy tháng qua. Nếu tình trạng này kéo dài thêm mấy tháng nữa DN sẽ phá sản. Nói đúng hơn là chết trên đống tài sản”, vị này nói.

Cấp hạn mức tín dụng là một chuyện, còn khi giải ngân là lúc chính thức ghi nhận room tín dụng của NH. Đối với những NH đã bị cạn room thì cũng khó có thể giải thích cho khách hàng tại sao không giải ngân. Thế nhưng bảo khách hàng chờ thì biết chờ đến bao giờ.

Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Không chỉ ở các khoản vay lớn hay liên quan đến BĐS, một DN nhập khẩu ở Q.1, TP.HCM cũng cho biết các khoản vay thanh toán hợp đồng nhập khẩu tầm dưới 2 tỉ thông thường được giải ngân rất nhanh nay cũng được báo phải xếp hàng chờ, nhưng chờ khi nào thì không có thời gian cố định.

Hạn mức quá thấp so với nhu cầu

Hạn mức mà NH Nhà nước (NHNN) cấp cho mỗi NH đợt vừa rồi dao động từ 0,7 - 4% nên tình trạng “xếp hàng” chờ giải ngân là điều khó tránh khỏi, nhất là với một số NH có hạn mức thêm thấp. Lãnh đạo một số nhà băng thừa nhận hạn mức tín dụng được cấp mới không nhiều nên chỉ đáp ứng được những hồ sơ đã hoàn tất thủ tục, triển khai cho vay vài tuần là hết. Những hồ sơ đến sau dù đã duyệt nhưng cạn room nên NH đành cáo lỗi với khách hàng bằng cách yêu cầu chờ. “Chờ khách hàng cũ trả nợ rồi giải ngân cho những khách hàng thân thuộc, truyền thống. Hạn mức tín dụng vừa cấp thêm cho các NH cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu trên thị trường hiện nay”, vị này cho biết.

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng tăng tốc mạnh sau khi NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng cho các NH thương mại. Cụ thể, ngày 7.9, NHNN cấp hạn mức tín dụng cho các NH thì chỉ 10 ngày sau, tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đối với toàn nền kinh tế lên 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tuần, các NH triển khai cho vay khoảng 0,56% trong tổng số tín dụng được cấp mới. Mức cho vay này cao hơn những tháng trước đó. Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8, tín dụng chỉ tăng thêm 0,47%. Như vậy, các NH đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,093 triệu tỉ đồng so với cuối năm 2021, dư nợ hiện lên hơn 11,537 triệu tỉ đồng.

Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Cấp hạn mức tín dụng là một chuyện, còn khi giải ngân là lúc chính thức ghi nhận room tín dụng của NH. Đối với những NH đã bị cạn room thì cũng khó có thể giải thích cho khách hàng tại sao không giải ngân. Thế nhưng bảo khách hàng chờ thì biết chờ đến bao giờ. Do thông tin không minh bạch, không biết NH còn room hay ưu tiên tập trung cho khách hàng khác vay nên rất dễ xảy ra các vấn đề tiêu cực. Ví dụ như DN muốn vay nhanh phải trả chi phí cao hơn. Chưa kể nhu cầu cho vay BĐS thì không biết bao nhiêu cho đủ nên hiện nay tín dụng chỉ nên tập trung giải ngân cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và không áp đặt room cho lĩnh vực này”.

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, có khoảng 18 NH đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. 18 nhà băng này chiếm 80% tín dụng của hệ thống và mức tín dụng tăng thêm sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm - tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN. Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Do đó, dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật