TPBank tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, không công bố nợ xấu
TPBank đã tăng mạnh trích lập dự phòng trong 3 tháng đầu năm 2022 với mức 755 tỷ đồng, tăng 93% so với quý I/2021, thông tin nợ xấu không được ngân hàng này công bố.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã CK: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.623 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 1.299 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 31% đạt 2.378 tỷ đồng. Trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ.
Đồng thời, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 2.831 tỷ đồng tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021, lãi thuần từ dịch vụ tăng hơn 81% mang về hơn 511 tỷ đồng.
Hội sở TPBank |
Trong khi đó, mảng chứng khoán đầu tư của TPBank sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ mang về 81 tỷ đồng lãi thuần trong khi năm 2021 là 270 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý I/2022 vừa qua, TPBank đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 755 tỷ đồng, tăng 93% so với quý I/2021.
Tại thời điểm ngày 31/3/2022, tổng tài sản của TPBank đạt 302.622 tỷ đồng, tăng 3,3%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,1% lên 149.875 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 9,3% lên 152.538 tỷ đồng.
Đáng nói, tại thuyết minh báo cáo tài chính, TPBank không công bố tình hình nợ xấu của ngân hàng. Tính đến hết quý I/2022, nhà băng này cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước là 148.758 tỷ đồng.
Trong kỳ, TPBank cũng nâng dự phòng rủi ro từ 1.765 tỷ đồng lên 2.155 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2021, tổng nợ xấu của TPBank tính đến ngày 31/12/2021 giảm 19% so với đầu năm, chỉ còn gần 1.157 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn còn 297,4 tỷ đồng, nợ nghi ngờ 348,8 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn 510,5 tỷ đồng.