• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh khẳng định vị thế trung tâm kinh tế

TP. Hồ Chí Minh định hướng tiếp tục trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước, tỷ trọng ngành thương mại đạt trên 60% GRDP.

Trung tâm thương mại điện tử quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại. Phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, logistics.

TP. Hồ Chí Minh khẳng định vị thế trung tâm kinh tế

TP. Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm thương mại điện tử của quốc gia. Ảnh minh họa

Các ngành thương mại, dịch vụ giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế của thành phố, tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ đạt trên 60% GRDP; tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 đạt 8,6%/năm.

Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa. Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đông Nam Bộ. Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics. Ưu tiên bố trí và phát triển các hoạt động thương mại tại các trung tâm cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã, gắn với việc mở rộng các khu vực cửa ngõ thành phố, các tuyên đường vành đai, các tuyên đường sắt đô thị.

Phát triển 10 trung tâm logistics

Nâng cấp hoàn thiện mạng lưới logistics phục vụ thương mại; xây dựng nền tảng dịch vụ logistics; phát triển e-logistics. Phát triển thị trường vận tải gắn với nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đầu tư và khai thác, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển 10 trung tâm logistics tại khu vực Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, khu công nghệ cao thành phố, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Khánh và trung tâm logistics vận tải hàng không tại Tân Sơn Nhất.

Kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quyết định này định hướng, phát triển kinh tế biển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên 9 trụ cột chính: trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hàng đầu của Đông Nam Á gắn với trung tâm trung chuyển mới của khu vực; phát triển các ngành dịch vụ biển dựa trên việc hình thành các khu trung tâm thương mại, tài chính quốc tế và du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Đầu tư xây dựng các đô thị ven biển, đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; hoàn thiện hệ thống giao thông, logistics và hệ thống cảng biển và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ; phát triển công nghiệp năng lượng sạch; khai thác lợi thế của vịnh Gành Rái cho phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, các dịch vụ ngành dầu khí và công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển hệ thống giao thông kết nối Cần Giờ với đô thị trung tâm, TP. Thủ Đức và khu vực ngoại thành trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả các sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp, sông Thị Vải và các trục giao thông kết nối; xây dựng đường ven biển kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ

Quy hoạch yêu cầu TP. Hồ Chí Minh phát triển kinh tế xanh tập trung vào 4 trụ cột ưu tiên gồm: đầu tư phi các-bon; mua bán tín chỉ các-bon và dịch vụ liên quan; tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Chuyển đổi TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố tuần hoàn dựa trên hình thành hệ thống sản xuất, tiêu dùng và quản lý hạ tầng đô thị bền vững.

Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ: Xây dựng các nền tảng tích hợp hiệu quả chính quyền số và đô thị thông minh; ứng dụng số cải thiện năng suất và hiệu quả các ngành kinh tế trọng điểm. Phát triển các nền tảng kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng và sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số có tính ứng dụng cao (dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (A1), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)...).

Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực

Theo quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh được định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất (chọn lọc hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón); ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống...

Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao... Cùng với đó, tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ...

 

Tác giả: Nguyễn Ngọc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết