• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 6,5%

6 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp dần phục hồi, doanh nghiệp dần chủ động được nguồn nguyên liệu và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định EVFTA và CPTPP.

Sản xuất công nghiệp dần hồi phục

Ông Đặng Văn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 ước tăng 6,5% so cùng kỳ; tính từ đầu năm đến hết tháng 6 ước tăng 5,6% so cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tập trung ở ngành sản xuất đồ uống, sản xuất da, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su plastic...); có 18/43 sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ.

Điển hình như sản xuất đồ uống tăng 1,63%; sản xuất trang phục tăng 1,4%; sản xuất da tăng 14,9%; sản xuất kim loại tăng 21,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,07%...

Đánh giá về những kết quả này, ông Đặng Văn Tuấn cho biết, nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã phục hồi và hoạt động trở lại như trước dịch. Các doanh nghiệp đang dần chủ động được nguồn nguyên liệu và một phần được hưởng lợi từ các Hiệp định EVFTA và CPTPP.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm lĩnh vực chế biến thực phẩm giảm, trong đó sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 8,39% so với cùng kỳ, lĩnh vực dệt giảm 9,81% so với cùng kỳ. Nói rõ hơn về việc sụt giảm này, quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu và nguồn tiêu thụ. Hiện nay, sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu. Không những thế, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ, không tái đàn, thiếu nguồn cung khiến giá tăng lên. Cùng với đó, việc tiêu thụ sản phẩm mùng xuất khẩu của Công ty TNHH Minh Hưng cũng đang gặp khó khăn so với những tháng trước đây.

Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 6,5%

Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm

6 tháng cuối năm, Tiền Giang đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ; tiếp tục tăng chủ yếu ở khu vực thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở các ngành sản xuất đồ uống, sản xuất da và sản xuất thiết bị điện.

Để làm được điều này, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... Tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành (đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí...) và đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành để có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh Tiền Giang về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất.

Ông Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, các chính sách thu hút, mời gọi đầu tư gắn với kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhiều nhà máy hoạt động trong Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang,... ngay từ đầu năm đã đi vào hoạt động ổn định, đẩy mạnh sản xuất giúp tỉnh đạt kim ngạch năm sau cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, quan điểm của địa phương là mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, bao gồm cả xuất khẩu nông sản tươi và nông sản thông qua chế biến, phù hợp yêu cầu từng thị trường và đảm bảo gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch và giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch,... Đặc biệt là không ngừng mở rộng thị trường, tăng thị phần hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh tại các thị trường mục tiêu cũng như tăng dần tỷ trọng hàng nông sản chế biến sâu và mang lại giá trị gia tăng cao.

 

Tác giả: Hà Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan