Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023, chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng.
Chuyển dịch mạnh mẽ
Thị trường đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang nền tảng thương mại điện tử. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD. Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương 2024: Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số |
Năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Hoạt động thương mại điện tử phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước; hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước, giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là "đòn bẩy" cho xuất khẩu trực tuyến. Cục trưởng thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh đánh giá: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam’’.
Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
“Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế”, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Dù đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số, song hoạt động thương mại điện tử vẫn còn những tồn tại cần sớm giải quyết, đó là: Kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, đối với hoạt động livestream bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh của thương mại điện tử nhưng các quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream; kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn…
Livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển của thương mại điện tử. Ảnh: Phương Thảo |
Để giải quyết những khó khăn, thách thức đang tồn tại, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật thương mại điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về thương mại điện tử trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030; giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử trong thời gian vừa qua cũng như để phù hợp với xu thế đổi mới do công nghệ thông tin đã làm thay đổi và định hình lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trong địa phương; đẩy mạnh công tác thống kê hoạt động thương mại điện tử; tiếp tục thực hiện hoạt động rà soát, giám sát, cảnh báo, thanh tra vi phạm trong thương mại điện tử, đặc biệt đối với các nền tảng số xuyên biên giới.
Tiếp tục tổ chức, triển khai hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên môi trường mạng; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối giao thương thông qua thương mại điện tử, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như một công cụ xuất khẩu hữu ích.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ…. cho thấy "cuộc đua" thương mại điện tử ngày càng trở nên gay gắt hơn. Do đó, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể, hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua nền tảng số.
Với vai trò của mình, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Đồng thời, chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an... khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tin cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng… |