• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng nóng - có thể đạt quy mô 5-7 tỉ USD sau 5 năm

Thị trường xe điện Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng nóng - có thể đạt quy mô 5-7 tỉ USD sau 5 năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chuyên trang InsideEVs cho biết, sau giai đoạn đầu năm đầy chật vật thị trường xe điện toàn cầu đã tìm lại đà tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.

Theo công ty nghiên cứu Rho Motion. trong tháng 10, doanh số xe điện và PHEV đạt 1,7 triệu xe, tăng 50.000 chiếc so với kỷ lục từng thiết lập hồi tháng 9. 

Trung Quốc một lần nữa dẫn đầu với 1,2 triệu xe điện và xe điện lai được bán ra, tăng 6% so với tháng 9/2024 và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng nóng - có thể đạt quy mô 5-7 tỉ USD sau 5 năm- Ảnh 2.

Ở Mỹ và Canada, 10 tháng đầu năm chứng kiến 1,4 triệu ôtô điện và PHEV đến tay khách hàng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại khu vực Châu Âu cũng ghi nhận doanh số xe thuần điện và PHEV đạt trên 260.000 xe, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên so với tháng 9, doanh số này đã giảm 14%.

Thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng 'nóng'

Thị trường xe điện Việt Nam đã và đang phát những tín hiệu tích cực khi các thương hiệu trong và ngoài nước đồng loạt đẩy mạnh phát triển dải sản phẩm cũng như mạng lưới trạm sạc toàn quốc.

VinFast - hãng xe điện Việt Nam đã có nhưng đột phá lớn về doanh số chứng tỏ sức hút không nhỏ của xe điện tại thị trường này.

Cụ thể, tháng 9/2024, lần đầu tiên VinFast trở thành hãng xe thuần điện đạt doanh số cao nhất trong tháng trên thị trường ô tô Việt Nam. Thành tích này đã được lặp lại trong tháng kế tiếp và tính lũy kế 10 tháng đầu năm, VinFast đã bàn giao hơn 51.000 chiếc ô tô điện các loại tới tay người tiêu dùng. Doanh số của VinFast thời điểm này, thậm chí còn vượt qua hàng loạt tên tuổi gạo cội như  Toyota (49.239) xe hay Hyundai (48.546 xe).

Thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng nóng - có thể đạt quy mô 5-7 tỉ USD sau 5 năm- Ảnh 3.

Doanh số ô tô VinFast qua các năm. Nguồn: VinFast

Sự kiện VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam là dấu mốc quan trọng mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đồng thời, VinFast cũng là hãng xe điện đầu tiên vượt qua các hãng xe xăng đối thủ chỉ sau 2 năm chuyển đổi sang thuần điện để trở thành thương hiệu dẫn dắt thị trường.

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, việc hãng xe điện “Made in Vietnam” vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 ở thị trường trong nước phản ánh thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về xe điện nói chung.

Bên cạnh đó, các chính sách như miễn phí đăng ký và giảm thuế nhập khẩu cho xe điện cũng làm cho dòng xe này trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Về phía hãng xe nội địa VinFast, dịch vụ hậu mãi của họ rất hấp dẫn, ví dụ như chương trình sạc pin miễn phí tại các trạm sạc V-GREEN đến hết ngày 1/7/2025.

Chi phí vận hành xe điện nhìn chung khá cạnh tranh khi so sánh với xe truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Việc giới thiệu nhiều mẫu xe điện đa dạng, ở các phân khúc khác nhau từ các nhà sản xuất khác nhau đã mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thành công của VinFast trong thị trường xe điện có khả năng tạo ra tác động tích cực đáng kể đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, mang lại cơ hội to lớn cho các quỹ đầu tư lớn hơn tham gia vào ngành công nghiệp xe điện đang phát triển của Việt Nam.

“Các hãng xe hơi và công ty công nghệ quốc tế lớn có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc thiết lập hoạt động riêng tại Việt Nam để nắm bắt thị trường đang phát triển”, vị chuyên gia RMIT nói.

Tiến sĩ Sơn dự đoán rằng thị trường xe điện tại Việt Nam có thể đạt quy mô 5-7 tỉ USD sau 5 năm nữa . Nhu cầu pin xe điện sẽ tăng cao, tạo ra cơ hội đầu tư vào các cơ sở sản xuất và tái chế pin. Cùng với đó, nhu cầu cũng ngày càng tăng đối với các linh kiện chuyên dụng, mang lại cơ hội cho nhà cung cấp trong nước cũng như nước ngoài.

Ông cho rằng sự thành công của xe điện tại Việt Nam có thể thúc đẩy tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, có khả năng thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào những lĩnh vực công nghệ liên quan, như công nghệ lái tự động, hệ thống xe thông minh và công nghệ pin tiên tiến. Xa hơn sẽ là cơ hội đầu tư vào các dịch vụ mang tính chất hệ sinh thái, như hỗ trợ, bảo trì, đổi pin và quản lý đội xe điện, xe điện tự động.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo Tiến sĩ Trương Quang Dũng, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, những thách thức về hạ tầng trạm sạc và năng lực lưới điện vẫn là vấn đề không nhỏ.

Hiện tại, VinFast là đơn vị duy nhất cung cấp trạm sạc. Với quy hoạch 150.000 cổng sạc thì hãng này sẽ đạt tỉ lệ 15 cổng sạc trên 10.000 người, cao hơn Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về phân bổ hạ tầng, khi nhiều người tiêu dùng cho rằng trạm sạc chưa đủ phổ biến.

Một khảo sát tại TP.HCM vào tháng 12/2023,  cho thấy 86,83% người tham gia chưa muốn chuyển sang xe điện, chủ yếu do lo ngại về thiếu hụt trạm sạc. Mặc dù các trạm của VinFast đã bao phủ các tuyến đường cao tốc, kết nối liên tỉnh, nhưng vẫn còn khoảng trống ở các khu dân cư đô thị và nông thôn. Việc VinFast không chia sẻ trạm sạc với các hãng xe khác trong 10 năm tới có thể hạn chế mở rộng hạ tầng.

Thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng nóng - có thể đạt quy mô 5-7 tỉ USD sau 5 năm- Ảnh 4.

“Một thách thức lớn khác là lưới điện Việt Nam có thể khó đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng lên khi số lượng xe điện tăng”, Tiến sĩ Dũng nhận định.

Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện, can thiệp chiến lược của chính phủ để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của ngành ô tô điện là cần thiết. Theo Tiến sĩ Irfan Ulhaq, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, một khuôn khổ hỗ trợ toàn diện từ chính phủ có thể là chìa khóa để thúc đẩy sự chuyển đổi này.

“Trọng tâm chính cần hướng đến là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ. Ưu đãi của chính phủ nên ưu tiên thiết lập chuỗi cung ứng tiên tiến cho xe điện và xe hybrid. Đồng thời, đầu tư vào sản xuất thép và các ngành công nghiệp vật liệu sẽ tăng cường tính độc lập trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu”.

Vị chuyên gia RMIT cho rằng, việc tạo ra các cụm công nghiệp ô tô chiến lược là một bước quan trọng khác, đóng vai trò như các trung tâm phát triển-ứng dụng tập trung các nhà sản xuất, nhà cung cấp và tổ chức nghiên cứu.

Theo ông, tiến bộ công nghệ cũng cần được hỗ trợ đáng kể thông qua các khoản tài trợ nghiên cứu và ưu đãi thuế, đặc biệt là đối với các công nghệ cốt lõi trong hệ thống truyền động, động cơ và hệ thống điện. Cách tiếp cận này sẽ định vị chiến lược Việt Nam trong thị trường xe thân thiện với môi trường và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt.

“Thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế chiến lược, đồng thời bảo vệ lợi ích trong nước thông qua các thỏa thuận thương mại được xây dựng cẩn thận cũng như các chương trình xúc tiến xuất khẩu, sẽ là yếu tố thiết yếu để Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường khu vực về xe điện”, ông Irfan Ulhaq nhấn mạnh.

Minh Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết