• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường đi xuống, lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt mua vào cổ phiếu

Lãnh đạo của hàng hoạt doanh nghiệp lớn như Hóa chất Đức Giang, Thế Giới Di Động, Thép Nam Kim, Đầu tư Nam Long… đều có động thái mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp mình trong bối cảnh thị trường đi xuống.

Lãnh đạo ồ ạt mua vào cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), ông Nguyễn Xuân Quang và 2 con trai là ông nguyễn Hiệp và ông Nguyễn Nam vừa báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu NLG. Theo đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Quang đã mua vào thành công 1,6 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh.

Trước đó, ông Quang và 2 người con trai đã đăng ký mua vào tổng cộng 6 triệu cổ phiếu NLG, tuy nhiên không mua vào thành công toàn bộ số lượng đã đăng ký do điều chỉnh tiến độ mua vào và theo diễn biến rủi ro từ thị trường.

Sau giao dịch, Chủ tịch Nam Long nâng số lượng nắm giữ lên hơn 46,4 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 11,87% lên 12,09%. Ông Nguyễn Nam và ông Nguyễn Hiệp lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,35% và 0,18%.

Ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC), Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền mới đây cũng đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu DGC trong thời gian từ ngày 17/11 đến ngày 16/12 theo phương thức khớp lệnh.

Tạm tính theo thị giá của DGC, ông Đào Hữu Huyền sẽ phải chi khoảng hơn 53 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Hiện ông Huyền đang sở hữu gần 68,8 triệu cổ phiếu DGC, tương đương tỷ lệ sở hữu là 18,11% và sẽ nâng số lượng nắm giữ lên gần 69,8 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương đương lên 18,38% nếu mua thành công.

Được biết, lần gần đây nhất Chủ tịch Hóa chất Đức Giang mua vào cổ phiếu DGC là vào tháng 2/2021, với số lượng là 1 triệu đơn vị.

Cũng trong chiều mua vào, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG), bà Trần Ngọc Diệu vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu NKG trong thời gian từ ngày 18/11 đến ngày 17/12, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Số tiền bà Trần Ngọc Diệu dự kiến chi để hoàn thành giao dịch là 14,8 tỷ đồng, chiếu theo thị giá của cổ phiếu NKG trên thị trường chứng khoán.

Phó tổng giám đốc Thép Nam Kim hiện đang sở hữu 432.828 cổ phiếu NKG, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,164%.

Về phía ngân hàng, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc tài chính Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) vừa đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu VIB trong thời gian từ ngày 18/11 đến ngày 17/12. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Với số lượng nắm giữ hiện tại là hơn 9,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,436%, ông Hồ Vân Long có thể nâng số lượng nắm giữ lên 10,6 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,5%. Số tiền mà lãnh đạo VIB dự chi là 25,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở 1, 2 triệu cổ phiếu, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) mới đây đã đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC trong thời gian từ ngày 15/11 đến ngày 14/12, theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tạm tính theo thị giá, số tiền mà lãnh đạo KBC dự chi để hoàn tất giao dịch là 375 tỷ đồng.

Số lượng mua vào này đã được điều chỉnh giảm một nửa so với thông báo trước đó của ông Đặng Thành Tâm. Lý do điều chỉnh liên quan đến việc tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch KBC và những người liên có thể vượt quá 25% nếu đăng ký mua vào 50 triệu cổ phiếu KBC và phải thực hiện chào mua công khai.

Ông Đặng Thành Tâm cho biết sau khi kết thúc việc mua 25 triệu cổ phiếu KBC, ông và những người liên quan sẽ xem xét quy trình để tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu KBC. Như vậy, Chủ tịch KBC không có ý định dừng lại ở việc mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC mà số lượng có thể hơn thế.

Ngoài ra, một số lãnh đạo khác đã mua vào thành công cổ phiếu của doanh nghiệp đang điều hành có thể kể đến như ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) mua xong 10 triệu cổ phiếu DSG trong thời gian từ ngày 27/10 – 8/11; ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) mua xong 500.000 cổ phiếu MWG trong thời gian từ ngày 11/11 đến ngày 14/11.

Doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ

Dễ dàng thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện mua vào cổ phiếu trong bối cảnh thị trường đi xuống, hàng loạt cổ phiếu nêu trên như NLG, NKG, VIB… đều đã có nhiều phiên giảm giá thậm chí nằm sàn.

Để “cứu giá”, các lãnh đạo nêu trên đã mạnh tay chi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, không chỉ ban lãnh đạo, bản thân các doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ trong bối cảnh này.

Được biết, việc mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu đi xuống sẽ làm giảm nguồn cung cổ phiếu, qua đó phần nào tạo động lực làm giá cổ phiếu tăng lên. Việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ được đánh giá là để đảm bảo lợi ích của cổ đông, gia tăng giá trị cổ phiếu cho cổ đông. Ngoài ra, đây là cũng là một cách để doanh nghiệp kiếm lời từ việc mua bán cổ phiếu quỹ.

Trong một công bố mới đây, Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) cho biết HĐQT doanh nghiệp đã chấp thuận chủ trương mua lại cổ phiếu IDC làm cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ.

IDICO sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án trên. Theo đó, thời gian thực hiện gửi văn bản xin ý kiến cổ đông dự kiến trong tháng 12 tới đây với tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (1 cổ phiếu – 1 quyền biểu quyết). Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 18/11.

Số lượng cổ phiếu quỹ hiện chưa được IDICO công bố và sẽ được giao cho ban tổng giám đốc xây dựng phương án mua lại cổ phiếu, hoàn tất các thủ tục để tổ chức lấy ý kiến cổ đông và thực hiện các hồ sơ, thủ tục để hoàn thành việc mua lại cổ phiếu.

KBC vào ngày 28/11 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để họp ĐHCĐ bất thường năm 2022 lần 2, hoặc năm 2023 lần 1 với nội dung là xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu.

KBC cho biết, việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường. Nếu giá cổ phiếu xuống thấp sẽ gây thiệt hại cho cổ đông thì việc mua vào lượng lớn cổ phiếu là động thái tích cực khi công ty có dòng tiền tốt.

Tương tự như IDICO, KBC hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về phương án mua cổ phiếu quỹ.

Về phía Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), ban lãnh đạo nhà băng này trong buổi gặp mặt nhà đầu tư để chia sẻ về kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2022 đã tiết lộ dự kiến vào cuối tháng 11 sẽ xin ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ.

VPBank cho biết mua cổ phiếu quỹ là một trong những công cụ hiệu quả không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích cho cổ đông khi thị trường bình ổn, vượt qua khủng hoảng.

Ngân hàng này cũng cho rằng với tiềm lực vốn lớn, ngân hàng hoàn toàn có thể nghiên cứu việc mua cổ phiếu quỹ để gia tăng lợi ích của nhà đầu tư trong dài hạn, một phần nào đó đóng góp vào thanh khoản của toàn thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật