• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, Chính phủ và các Bộ sẽ làm gì?

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn đầu cơ, thổi giá; phát triển nhà ở xã hội cũng như đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Chiều ngày 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.

Chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, những tồn tại, yếu kém được nêu trong kết quả giám sát Chuyên đề Quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội của Quốc hội; quá trình tổng kết thực hiện pháp luật về đất đai, nhà ở, bất động sản; trong các văn kiện, chỉ đạo hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước đã được tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện trong các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

Những chính sách, giải pháp quan trọng về đất đai, nhà ở đã được thể chế hóa, qua đó thể hiện tính toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, nêu ra những vấn đề sát thực tiễn, khả thi, cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đại biểu Quốc hội, chuyên gia.

Thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, Chính phủ và các Bộ sẽ làm gì?- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sau khi Quốc hội đồng ý cho phép thi hành sớm. Tuy nhiên, còn có những bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện chưa sát, chưa nghiêm, chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy định thuộc thẩm quyền.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng nêu thực tế hiện nay thị trường bất động sản đang có sự mất cân đối cung cầu về sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp…

"Các địa phương phải khẩn trương triển khai chiến lược, quy hoạch chương trình nhà ở, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu nhà ở đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở dành cho người có thu nhập cao, nhà ở xã hội", Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh quyền có nơi ở hợp pháp đã được hiến định, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với việc triển khai Đề án "Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", các địa phương tiếp tục điều tra, đánh giá thực chất nhu cầu nhà ở xã hội, tiêu chí mở rộng đối tượng hướng tới không chỉ công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… mà mọi người dân đều có thể tiếp cận; huy động các nhà đầu tư có uy tín, cùng với chính sách hỗ trợ về hồ sơ thủ tục đầu tư, đất đai, tín dụng, quản lý lợi nhuận tối đa,… nhằm phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người mua; rà soát và chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội.

Chính phủ cũng quyết liệt triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Liên quan đến hiện tượng "thổi giá" thông qua việc đấu giá đất nền tại một số địa phương thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải khắc phục bằng giải pháp thị trường như công khai thông tin cung cầu, thí điểm giao dịch qua sàn, các thửa đất đấu giá phải được quy hoạch chi tiết về xây dựng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thực hiện giám sát, đánh giá tình hình thị trường bất động sản để đưa ra các giải pháp điều tiết phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản sẽ tăng sau khi cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 5 tỉnh, thành phố, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, trước khi mở rộng những dự án tương tự trên cả nước, trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội

Cũng tại phiên họp, giải trình về những vướng mắc, khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, có nhiều vướng mắc về quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc về quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng,… hay vướng mắc về thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, Chính phủ và các Bộ sẽ làm gì?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án.

"Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; cũng như thực hiện cái nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của từng địa phương.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…

Có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá

Giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm chiều ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, tạo mặt bằng giá cao ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Cụ thể, về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, thời gian vừa qua, tại một số địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá.

“Có biểu hiện đầu cơ, thổi giá, tạo mặt bằng giá cao như các đại biểu Quốc hội có nêu làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết.

Thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, Chính phủ và các Bộ sẽ làm gì?- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cho hay, việc lập công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị nhà ở chưa được thực hiện bài bản công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Bên cạnh đó, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại đất vừa trúng đấu giá để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh.

Trong đó, sau khi đấu giá, một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá và có dấu hiệu bỏ cọc.

Ngoài ra, các địa phương thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá đất. Dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân khan hiếm và không đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.

"Có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích thêm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã đề xuất các giải pháp gồm: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá. Đồng thời, công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Thanh Bình

Thị trường tài chính tiền tệ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật