• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sếp HSBC "hiến kế" để duy trì vị thế tối ưu của Đông Nam Á trong thương mại toàn cầu

Đông Nam Á đang nắm giữ một vị trí thuận lợi trong thương mại toàn cầu, điều có thể mang về nhiều tiềm năng cho khu vực.

Bài viết là quan điểm của ông Surajit Rakshit, Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, HSBC Việt Nam.

Người ta thường nói muốn đánh giá sự vững vàng của một chuỗi cung ứng, chỉ cần nhìn vào mắt xích yếu nhất của nó. Nhận định này được minh chứng rõ ràng trong đại dịch Covid-19 khi những đợt giãn cách ở mỗi nước đã để lại tác động mang tính toàn cầu lên sự luân chuyển của hàng hóa.

Đông Nam Á trở thành khu vực được hưởng lợi lớn từ nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng phát sinh từ giai đoạn này nhưng rủi ro xảy ra một đợt gián đoạn khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chẳng hạn như những căng thẳng gần đây ở khu vực Biển Đỏ. Trong giai đoạn từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024, chi phí vận chuyển một container từ Việt Nam đến Hamburg ở Đức đã đội lên hơn gấp ba. Hệ quả kéo theo bao gồm kéo dài thời gian giao hàng và chu kỳ vốn lưu động, chi phí vốn cao hơn.

Khủng hoảng Biển Đỏ là một thông điệp nhắc nhở doanh nghiệp cần củng cố mạng lưới chuỗi cung ứng của mình để chống chịu những cú sốc khác trong tương lai. Trong bối cảnh đó, một cơ hội mang tính lịch sử mở ra cho Đông Nam Á để gia tăng vị thế trong giai đoạn mới nhất của xu thế toàn cầu hóa.

Từ gián đoạn ngắn hạn đến cơ hội dài hạn

Đại dịch đã phơi bày những điểm yếu cố hữu trong các chuỗi cung ứng quốc tế vốn được xây dựng trong nhiều năm qua. Xu hướng giảm chi phí xuống tối thiểu khiến các nhà cung ứng dàn trải ra trong những mạng lưới theo mô hình điều chỉnh tối ưu "just-in-time" ( mô hình tồn kho thấp ) - mặc dù tinh gọn nhưng lại không đủ minh bạch và linh hoạt để thích nghi với các cú sốc.

Không có hàng tồn kho, các nhà máy ngưng hoạt động. Doanh nghiệp vất vả đáp ứng đơn hàng sau khi các chuyến bay bị hủy và tàu bị chậm. Chứng từ giấy không theo được tốc độ thay đổi chóng mặt của bối cảnh khiến hàng hóa không xuất được và các khoản tài trợ thương mại bị đóng băng.

Những căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine và ảnh hưởng từ xung đột ở Trung Đông càng nêu bật nhu cầu củng cố sự vững vàng cho các chuỗi cung ứng quốc tế.

Có một cách để đạt được mục tiêu đó và đã được áp dụng thành công ở ASEAN chính là xây dựng các mạng lưới khu vực đa dạng hơn giúp cân bằng giữa hai mô hình "just-in-time" ( mô hình tồn kho thấp ) và "just-in-case" ( mô hình lưu trữ tồn kho ).

Đa dạng hóa hoạt động sản xuất tại nhiều thị trường giảm thiểu tác động khi xảy ra bất kỳ sự cố cục bộ nào. Và với một vai trò trung lập trong các tranh chấp thương mại toàn cầu, ASEAN cung cấp một cơ sở sản xuất và một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Theo số liệu cả năm mới nhất, ASEAN chiếm một mức kỷ lục lên đến 17% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu trong năm 2022, trong đó gần 40% đến từ Mỹ, EU và Nhật Bản

 

Cũng có những yêu cầu đặt ra đòi hỏi hợp lý hóa các mạng lưới cung ứng và tìm kiếm các linh kiện quan trọng từ các nước láng giềng xung quanh hơn là từ những quốc gia cách xa nửa vòng trái đất.

Các doanh nghiệp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại đặc biệt muốn giảm bớt sự phức tạp. Một khảo sát từ cuối 2022 của HSBC cho thấy hơn hai phần ba doanh nghiệp có kế hoạch giảm số lượng công ty trong chuỗi cung ứng, họ muốn xây dựng các mối quan hệ chiến lược với ít nhà cung ứng hơn.

Các công ty có chuỗi cung ứng ngắn hơn có thể hiểu rõ và nhìn trước được các rủi ro trong quan hệ kinh doanh, từ các vấn đề liên quan đến trừng phạt, hay những quan ngại về môi trường hoặc xã hội.

Đó là lý do vì sao Australia đang đầu tư hàng tỷ đô-la nhằm thúc đẩy các mối quan hệ với Đông Nam Á, trong đó bao gồm 1,3 tỷ USD để hỗ trợ thương mại và đầu tư.

Đặc biệt, quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Australia đã phát triển qua nhiều năm. Quả thật, thương mại song phương đã bùng nổ trong một thập kỷ qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023. Việt Nam là đối tác quan trọng thứ nhì ở ASEAN trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường bông sợi lớn nhất của Australia. Bên cạnh quan hệ thương mại, Australia là một nhà đầu tư ngày càng quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực khai khoáng và là một nhà xuất khẩu dịch vụ quan trọng, đáng chú ý là giáo dục bậc cao. Các hình thái hợp tác khác trong du lịch và hỗ trợ phát triển cũng có tiềm năng lớn.

Kỳ vọng cho các nhà xuất khẩu

Xu hướng số hóa mang lại một nền tảng vững chắc cho các công ty ASEAN tận dụng nỗ lực củng cố sự vững vàng.

ASEAN sở hữu một trong những tập dân số tiếp cận số hóa lớn nhất thế giới, với tỷ lệ phổ cập internet lên đến hơn 75% trong số 670 triệu dân. Doanh thu từ thương mại trực tuyến ở Đông Nam Á đã vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023 – một bước nhảy vọt tăng gấp 8 lần trong tám năm. Nền kinh tế số của Việt Nam đang trên đà đạt được mốc khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023-2025 đạt 20% - thuộc hàng cao nhất trong khu vực.

Mạng lưới thanh toán tức thì ngày càng mở rộng của Đông Nam Á giúp các doanh nghiệp tránh bị chậm trễ quá lâu trong giao dịch xuyên biên giới và giảm các rủi ro do biến động ngoại tệ.

Nghiên cứu của HSBC cho thấy hơn ba phần tư doanh nghiệp ở châu Á kỳ vọng gia tăng số hóa trên toàn chuỗi cung ứng.

Giao dịch số hóa trong nội bộ chuỗi cung ứng mang lại cho các công ty nguồn dữ liệu khổng lồ có thể dùng để cải thiện tiếp cận tài trợ thương mại, cung cấp thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt, tối ưu hóa quản lý dòng tiền hoặc nhận diện cơ hội cải thiện hiệu suất. Nguồn dữ liệu này cũng mang lại mức độ trách nghiệm các công ty đa quốc gia kỳ vọng từ phía đối tác kinh doanh. Giải pháp tài trợ thương mại số cũng giúp điều phối các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng thông qua thanh toán trực tiếp cho nhà cung ứng và giúp mọi người nắm rõ về tình hình sản xuất cũng như dòng tiền.

Để xu hướng số hóa đạt được thành công, chúng ta cần sự chung tay của các cộng đồng trong lĩnh vực vận tải và logistic, chuỗi cung ứng và quản lý kho hàng, cũng như các ngân hàng và công ty bảo hiểm, tất cả cùng phối hợp với chính phủ, các bộ ban ngành các nước.

Những nỗ lực đó kết hợp với công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ đến vị thế của ASEAN trong mạng lưới thương mại toàn cầu và xu hướng tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Khi cú sốc thương mại xảy ra, chẳng ai muốn mình là một mắt xích yếu cả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan