Quyết đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5%
Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV là kỳ họp rất quan trọng, đặc biệt quan trọng, với rất nhiều nội dung, trong đó có công tác lập pháp và bàn những vấn đề thiết thực của đất nước.
Phóng viên: Kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) khóa XV sẽ xem xét 39 nội dung, gồm 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác của đất nước. Trong đó, những vấn đề nào mà ông quan tâm nhất?
- Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH: Ngày 20-5, kỳ họp thứ 7 QH khóa XV khai mạc với rất nhiều nội dung, trong đó có công tác lập pháp và bàn những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là kỳ họp rất quan trọng, thậm chí đặc biệt quan trọng, trong đó có làm công tác nhân sự, bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch QH.
Đối với công tác lập pháp, nhiều dự thảo luật, dự thảo nghị quyết sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Trong đó, đáng chú ý là Luật BHXH (sửa đổi) vì đây là bộ luật mà nhiều điều khoản còn có ý kiến khác nhau. Ví dụ, đối với 2 phương án rút BHXH một lần, cử tri rất quan tâm khi quy định này liên quan mật thiết đến quyền lợi của người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Cùng với đó là nội dung xử lý doanh nghiệp (DN) chậm đóng, trốn đóng BHXH, luật cần quy định những chế tài cụ thể, khả thi để xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHXH; quy định về quyền lợi để khuyến khích nhiều người tham gia BHXH tự nguyện…
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng được nhiều người quan tâm. Dự thảo luật trình QH để xem xét, thông qua có cho phép ngưỡng nồng độ cồn hay cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông? Tôi đồng ý với quy định đã lái xe thì không uống rượu bia. Tuy nhiên, về vấn đề quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, lúc chúng tôi tiếp xúc cử tri, nhiều người đề xuất nên có một ngưỡng nào đó chứ không nên cấm tuyệt đối.
Đối với những dự án luật cho ý kiến lần đầu, tôi rất quan tâm tới dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hiện nay, rất nhiều vấn đề cần đưa vào luật để giải quyết những bất cập đối với lứa tuổi này, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật, sinh con sớm...
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức, khó khăn, đâu là vấn đề ông băn khoăn?
- Ủy ban Kinh tế của QH đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho sự phát triển bền vững và chưa thể đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, nếu cả hệ thống chính trị không nỗ lực cao nhất thì sẽ khó hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu mà QH giao.
Theo kết quả sơ bộ từ khảo sát mức sống dân cư năm 2024, thu nhập bình quân đầu người quý I/2024 ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023… Tuy nhiên, thu nhập của người dân còn rất hạn chế, tình trạng thất nghiệp vẫn còn.
Rồi tình trạng DN rút khỏi thị trường cao hơn số DN mới thành lập, đây là vấn đề rất đáng quan tâm, rất đáng báo động. Bởi khi số DN rút khỏi thị trường tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Cổ phần hóa DN cũng gặp rất nhiều khó khăn khi số lượng đơn vị được cổ phần hóa rất ít.
Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hộiĐỌC NGAY
Đối với lĩnh vực xã hội, người dân rất lo lắng về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm ma túy, bạo lực học đường và nhiều vấn đề bất an khác. Việc khan hiếm nước sinh hoạt, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xử lý, gây khó khăn cho đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, nguồn cung cát, vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình giao thông quan trọng ở ĐBSCL cũng đang thiếu trầm trọng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2024, nếu Chính phủ và các cấp, các ngành không có giải pháp quyết liệt, căn cơ, hữu hiệu thì tiến độ thi công các tuyến cao tốc, các công trình giao thông sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong vùng.
Một vấn đề đáng lo là từ trung ương đến địa phương có tình trạng một số cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Đây là vấn đề mà người dân rất quan tâm, cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng cán bộ làm việc cầm chừng, làm cho có.
Chính phủ vừa có tờ trình QH xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần có giải trình, cân đối ngân sách nhà nước. Việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Dù vậy, các báo cáo cho thấy thu ngân sách năm 2023 tăng so với năm trước; thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2024 cũng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Vì vậy, Bộ Tài chính cần phải có báo cáo giải trình thêm theo đề xuất của cử tri.
Về mục tiêu tăng trưởng năm 2024 theo chỉ tiêu QH giao, phải rất quyết liệt trong công tác đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công. Trước đây, công trình làm xong thì chờ được giải ngân còn giờ ngược lại - tiền trong kho bạc mà không giải ngân được vì phải chờ công trình.
Cùng với đó, phải có giải pháp để tạo điều kiện cho DN phục hồi hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Có như vậy mới có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% - 6,5% trong năm 2024.
Tính toán mức lương tham chiếu phù hợp
Liên quan cách tính lương hưu khi sửa Luật BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH Lâm Văn Đoan cho rằng Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về cải cách chính sách BHXH quy định khi thực hiện cải cách tiền lương thì từ ngày 1-7-2024 sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở, thay vào đó là mức lương tham chiếu. Trong khi đó, mức lương cơ sở hiện là căn cứ để tính lương hưu, chính sách xã hội cho người lao động và nhiều chính sách khác. Do đó, các cơ quan chức năng đang tính toán mức lương tham chiếu phù hợp để không thấp hơn mức lương cơ sở.