Quảng Ninh: Doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhờ chuyển đổi số, các doanh nghiệp Quảng Ninh đã nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt nhiều thành tựu trong sản xuất, kinh doanh.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 09) đề ra mục tiêu 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.
Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết 09 đề ra, ngày 17/6/2024 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn năm 2024-2026. Trong đó, đối với lĩnh vực chuyển đổi số, tỉnh sẽ hỗ trợ các khóa đào tạo trực tiếp về quản trị doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trao đổi, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thí điểm chuyển đổi số - Ảnh: Cao Quỳnh |
Vào tháng 5/2024 UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khai trương Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số, với chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng; tiếp nhận, phát triển các sáng kiến và thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng...
Ông Lê Như Thiều - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, xác định chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ...
Với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, một số doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào hoạt động chuyển đổi số. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; có 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7%); 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.
Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu 560/560 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đến 31/5/2024, có 3,3 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,4 triệu tài khoản đang hoạt động.
Công ty CP Du thuyền Đông Dương (TP. Hạ Long) là một trong những điển hình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Thay vì tổ chức các cuộc họp truyền thống như trước đây, công ty triển khai những cuộc họp không giấy tờ, qua đó giúp tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc.
Công ty đã sử dụng phần mềm quản lý khách hàng (CRM) để quản lý thông tin khách hàng, theo dõi tương tác và nâng cao chất lượng dịch vụ; quản lý check-in của khách hàng bằng mã vạch; thanh toán không dùng tiền mặt...
Ông Đoàn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, từ khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có những hiệu quả nhất định, như giảm 30% giấy tờ in ấn… "Hiện nay chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, tôi đi đâu, làm gì vẫn điều hành được công việc mọi lúc, mọi nơi, vì vậy hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt", ông Cường nói.
Công ty TNHH Thuốc tốt Pharma (TP. Hạ Long) đặt mục tiêu tiếp tục khai thác tốt thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số, nhằm tăng giá trị và mức độ phủ sóng trên thị trường - Ảnh: Cao Quỳnh |
Còn với Công ty TNHH Thuốc tốt Pharma (TP. Hạ Long), chuyển đổi số cũng đã và đang giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiện lợi trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng tính minh bạch trong hệ thống quản trị, tạo sự linh hoạt trong việc điều hành doanh nghiệp. Cùng với đó, giúp tối ưu hóa hoạt động giữa các bộ phận, cải thiện năng suất lao động, giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Ông Ngô Văn Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Thuốc tốt Pharma chia sẻ: "Hiện 80% công việc của Thuốc tốt Pharma đã được số hóa. Doanh nghiệp chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục khai thác tốt thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tăng giá trị và mức độ phủ sóng trên thị trường".
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang tận dụng thế mạnh của công nghệ, khai thác nền tảng số để gia tăng giá trị kinh doanh, mở rộng đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Anh Phan Mạnh - Chủ cơ sở sản xuất sá sùng Mạnh Nhung (TP. Hạ Long) cho biết: "Tôi đã thành lập kênh TikTok, thường xuyên livestream bán hàng và giới thiệu sản phẩm của cơ sở. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh của cơ sở ngày càng khởi sắc với nhiều bạn hàng trên toàn quốc. Hiện các mặt hàng như sá sùng tươi, sá sùng khô, nước mắm sá sùng của chúng tôi đang có lượng tiêu thụ ổn định với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm".
Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 60% số doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.
Việc ứng dụng công nghệ số vào nhiều khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, từng bước giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức, hạ giá thành sản phẩm và tạo sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm trở thành địa phương điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội.