Nhiều giải pháp xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD
Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD" nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 2/2024 do báo Người Lao Động tổ chức.
Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD" dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm bàn giải pháp hiệu quả để niên vụ cà phê 2023 - 2024 lập kỷ lục xuất khẩu mới; đồng thời đưa thương hiệu cà phê Việt ra thị trường thế giới gắn với chiến lược phát triển cà phê đặc sản, cà phê xanh.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đánh giá mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD là không khó.
Cũng theo ông Nam, tiềm năng từ hạt cà phê Việt Nam hiện rất lớn, gần như doanh nghiệp lớn ở các nước đều đã có mặt tại Việt Nam. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế nhưng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững.
Quang cảnh buổi hội thảo |
Tiếp nối ý kiến, Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê đóng góp ý kiến: Cần lưu ý, giá nội địa vì lý do gì mà tăng cao, gây khó khăn cho xuất khẩu?
Giá cà phê tăng nông dân được hưởng lợi nhưng câu chuyện không chỉ năm nay mà còn năm sau và những năm sau tiếp theo, ngành sẽ gặp khó khăn nếu không đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chứ không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời, Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình cũng cho rằng để được 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê một cách bền vững là câu chuyện khác, do đó cần những nỗ lực, mà lớn nhất là sự hợp tác của ngành Ngân hàng.
“Đơn cử, ở các nước khác, nếu có 6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sẽ phải bỏ 600 triệu USD vào quỹ cho việc thu mua. Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ để phát triển như việc tạo quỹ cho vay, quỹ tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty có tiền thu mua. Bởi khó khăn lớn nhất về tín dụng, vốn mà các doanh nghiệp cà phê hiện nay vẫn còn hậu quả”, Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình kiến nghị.
Cũng theo chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình, một giải pháp khác cần tăng cường là sản xuất, chế biến cà phê đặc sản. Đơn cử, 1 tấn cà phê thường giá 4.000 USD thì giá cà phê đặc sản ít nhất là 6.000 - 8.000 USD/tấn nên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cà phê đặc sản để nâng cao giá trị.
Mặt khác, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli nêu ý kiến, để đạt 5 tỷ USD bền vững thì Nhà nước và các cơ quan, ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, các giải pháp sale, marketing quốc tế để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
Mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD với ngành cà phê năm 2024 không khó nhưng cần làm sao để con số này bền vững và thực chất hơn trong (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, bà Đỗ Việt Hà - Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng; cùng với đó nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.
Đồng thời, ông Nguyễn Hoài Dương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chặt chẽ hơn từ quy trình sản xuất, thu hái để đưa ra thị trường, chứ không còn dạng như hiện nay như chất lượng không bảo đảm, tỷ lệ trái xanh…
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoài Dương cần những chiến lược của cả nhà nước, doanh nghiệp, có kết nối, làm sao tiếp cận tốt nhất với các thị trường này, cần quan tâm; sự kết nối thời gian qua mang tính tự phát, riêng lẻ, chưa phân định chức năng của các bên liên quan trong câu chuyện này...
Trong hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, giải pháp sắp tới không phải là vấn đề kỹ thuật, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, chế biến mà làm cách nào người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia để thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Bài học của cà phê không chỉ cho cây cà phê mà cho nhiều cây trồng khác.