• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà sách truyền thống Fahasa lãi kỷ lục trong năm 2023, CEO nói: “Chỉ làm 1 ngành, tập trung vào thế mạnh của mình”

Khi được hỏi tại sao Fahasa vẫn mở nhà sách truyền thống trong khi xu hướng bán hàng online lên cao, ông Thuận cũng nhấn mạnh: mảng Online trong thị trường nhà sách chỉ mạnh với nhóm khách hàng từ 18-25 tuổi, và cũng chỉ mạnh ở một số mặt hàng nhất định.

 

Fahasa liên tục mở thêm nhà sách

Công ty Fahasa vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024, cũng như lên tiếng liên quan đến việc một số tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội đăng tải thông tin, hình ảnh sai hoặc giả mạo về Công ty.

Năm 2024, Fahasa dự báo thị trường vẫn còn khó khăn, nhưng sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm các nhà sách mới. Trong quý 1/2023, Fahasa đã khai trương 2 nhà sách lớn, bao gồm: Fahasa Trần Duy Hưng (khai trương tháng 2/2024 tại Vincom Center Trần Duy Hưng – Hà Nội) qui mô 800m2; Fahasa Kiên Giang (khai trương hôm 6/3/2024) tại địa điểm mới với diện tích gần 800m2 và kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Đây được được đánh giá là Nhà sách lớn nhất khu vực miền Tây Nam bộ và được khách hàng đón nhận.

Hiện, Fahasa cũng đang triển khai nhiều dự án lớn như Nhà sách Fahasa Đông Sài Gòn diện tích 800m2 dự kiến khai trương 30/4/2024 tại Vincom Mega Mall Grand Park – Tp.HCM), Fahasa Huế với diện tích gần 900m2 vào tháng 8/2024 tại Aeon Mall Huế.

Công ty cũng có kế hoạch mở thêm các Nhà sách mới ở những thị trường nhỏ như Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hà Giang, Điện Biên… Việc mở nhà sách ở những thị trấn theo lãnh đạo Fahasa là chiến lược của Công ty nhằm nuôi dưỡng thế hệ khách hàng. Bởi, khi khách hàng đi Fahasa ở thị trấn của họ rồi, lớn lên vô Tp.HCM sinh sống cũng sẽ đi Fahasa.

Với chiến lược trên, Fahasa dự kiến doanh thu năm 2024 đạt 4.000 tỷ đồng.

Năm 2023, Fahasa ghi nhận doanh thu 3.902 tỷ, lợi nhuận kỷ lục với 70 tỷ đồng - tăng 53% so với năm 2022. Fahasa cũng đã khai trương 5 Nhà sách mới trong năm này.

Theo Fahasa, lợi nhuận năm qua tăng trưởng tốt nhờ Công ty chú trọng đầu tư vào công nghệ. Đặc biệt, công nghệ quản lý danh mục tại Fahasa hiện có thể đo đếm được nhu cầu khách hàng từng loại sản phẩm trước 10 ngày (hiện Fahasa có danh mục sản phẩm đến 400.000 SKUs). Theo đó, Công ty có thể cân đối tăng số lượng hàng nếu khách đang chuộng, hoặc chủ động giảm tồn kho mặt hàng khách không mua nhiều nữa, giúp hoạt động hiệu quả hơn.

Nhà sách truyền thống Fahasa lãi kỷ lục trong năm 2023, CEO nói: “Chỉ làm 1 ngành, tập trung vào thế mạnh của mình”- Ảnh 1.

"Làm nhà sách mà không bắt được trend thì khó sống"

Lãnh đạo Fahasa cho biết: "Có thể nói rằng tất cả chúng ta ngồi đây không bắt trend nhanh bằng trẻ em. Nhiều khi tôi còn phải hỏi con cháu là đang thích gì để đón đầu những xu hướng mới. Chưa kể, có một thực tế là trong bối cảnh internet phát triển mạnh, thì trẻ em ở các tỉnh lẻ hiện đều có chung những sở thích với trẻ em ở Tp.HCM. Và đó là thách thức Fahasa phải nắm bắt để ra các chiến dịch đón đầu thị hiếu, bởi làm nhà sách mà không bắt được trend thì khó sống".

Fahasa hiện là đơn vị kinh doanh sách, nhà sách ltop đầu Việt Nam cả về quy mô mà cả doanh số. Trong khi Phương Nam hay ADC Book đạt doanh số chưa được 1.000 tỷ trong năm 2023, thì bị con số của Fahasa "bỏ lại" rất xa với gần 4.000 tỷ đồng. Yếu tố then chốt giúp Công ty có thể tồn tại và sống khoẻ theo Fahasa là công ty chỉ tập trung chuyên ngành.

"Là doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCOM, nhưng Fahasa hằng năm chỉ dùng lợi nhuận để đầu tư cho mảng cốt lõi, làm một ngành thôi. Mình mạnh về phát hành sách và kinh doanh sách thì chỉ tập trung thế mạnh này, Fahasa không như nhiều doanh nghiệp khác là đầu tư bất động sản hay chứng khoán…", ông Phạm Minh Thuận - Chủ tịch HĐQT Fahasa – chia sẻ.

Khi được hỏi tại sao Fahasa vẫn mở nhà sách truyền thống trong khi xu hướng bán hàng online lên cao, ông Thuận cũng nhấn mạnh: mảng Online trong thị trường nhà sách chỉ mạnh với nhóm khách hàng từ 18-25 tuổi, và cũng chỉ mạnh ở một số mặt hàng nhất định.

Thực tế, đối tượng khách hàng tại Fahasa rộng hơn, và hiện Fahasa đang đi cùng các TTTM. Với các chủ đầu tư TTTM, khi họ khai thác đã phân tích rất kỹ mọi mặt, và họ cũng rất kỹ để chọn nhưng nhãn hiệu đi cùng, trong đó phân khúc nhà sách họ chọn Fahasa.

Tính đến nay, Fahasa có Hệ thống 120 nhà sách tại 47 tỉnh thành trên toàn quốc, tổng mức đầu tư phát triển mạng lưới Fahasa năm 2023 là 50 tỷ đồng. Công ty cũng đẩy mạnh mảng TMĐT và sẵn sàng làm sách nói nếu khách hàng cần, bởi phương châm kinh doanh của Công ty là "lắng nghe khách hàng".

Thời gian gần đây, xuất hiện một số tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội đăng tải các thông tin, hình ảnh sai hoặc giả mạo về Công ty Fahasa như: tuyển dụng, mua bán, đóng cửa ngừng hoạt động…

Theo Fahasa, đây là hành vi tung tin lừa đảo với mục đích thu hút người xem trang để dẫn đến việc quảng cáo những hoạt động khác của cá nhân chủ các tài khoản mạng xã hội này. Sự việc này là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Công ty, hiện Fahasa đã và đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của mình bao gồm báo cáo đến các cơ quan quản lý Nhà nước và Công an.

"Hiện nay, Công ty Fahasa vẫn đang và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, tình hình kinh doanh những tháng đầu năm 2024 có kết quả tốt, doanh thu tăng trưởng, hệ thống 120 Nhà sách Fahasa trên toàn quốc và trang Thương mại điện tử fahasa.com liên tục phục vụ đông đảo khách hàng", đại diện Công ty cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết