• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đối mặt vụ bê bối lớn nhất lịch sử

Không chỉ bị rò rỉ 18.000 hồ sơ liên quan tới 30.000 khách hàng, ngân hàng tư nhân hàng đầu thế giới Credit Suisse còn dính vào cáo buộc xử lý tiền bất chính.

Các ngân hàng Thụy Sĩ từ lâu đã được coi là biểu tượng cho sự giàu có, bí mật và an toàn nhờ luật bí mật ngân hàng vô cùng hà khắc. Tuy nhiên, chính nhờ sự bí mật tới gần như tuyệt đối này, nhiều tội phạm cũng như chính trị gia đã lựa chọn các ngân hàng Thuỵ Sĩ để giữ tiền của họ an toàn khỏi những con mắt tò mò. Và một khi tiền bẩn vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, người ta có thể tự do đi bất cứ đâu, không bị vạch trần bởi con mắt báo chí.

Mới đây ngày 20/1, báo Suddeutsche Zeitung của Đức cho biết đã tiếp cận được khối dữ liệu của ngân hàng Credit Suisse liên quan đến hơn 18.000 tài khoản ngân hàng của khoảng 37.000 cá nhân hoặc công ty có từ những năm 1940 đến những năm 2010. Thông tin rò rỉ, bao gồm các tài khoản nắm giữ hơn 100 tỷ USD.

Đây được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất của một ngân hàng Thụy Sĩ lớn.

Nhờ Suddeutsche Zeitung, Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng có Tổ chức (OCCRP) đã kết hợp với 46 hãng truyền thông khác trên khắp thế giới, bao gồm The New York Times, Guardian, Le Monde để mở cuộc điều tra mang tên “SwissLeaks”.

Thông qua điều tra, OCCRP đã tiếp cận khối dữ liệu bị rò rỉ và phát hiện hàng chục nhân vật đáng ngờ trong dữ liệu. Các chủ tài khoản đáng ngờ bao gồm một giám đốc gián điệp Yemen dính líu đến tra tấn, các quan chức Venezuela dính líu đến vụ bê bối tham nhũng và các con trai của cựu độc tài Ai Cập Hosni Mubarak, thậm chí là một trùm ma túy người Serbia được gọi là Misha Banana.

Khoảng 90% số tài khoản trong vụ rò rỉ đã bị đóng hoặc đang trong quá trình đóng trước khi các cuộc điều tra của giới truyền thông bắt đầu, ngân hàng cho biết.

Paul Radu, người sáng lập OCCRP, cho biết: “Tôi đã quá thường xuyên nhìn thấy những tên tội phạm và các chính trị gia tham nhũng, những người có thể đủ khả năng để tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường, bất kể trong hoàn cảnh nào, bởi vì họ chắc chắn rằng những khoản lợi bất chính của họ sẽ được giữ an toàn. Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy làm thế nào những người này có thể vượt qua quy định bất chấp tội ác của họ, gây tổn hại cho các nền dân chủ và người dân trên toàn thế giới.”

Trong khi các ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới về luật bí mật nghiêm ngặt của đất nước bảo vệ khách hàng và không được chấp nhận tiền liên quan đến hoạt động tội phạm, luật hầu như không có hiệu lực với Credit Suisse, theo The New York Times.

Báo Le Monde của Pháp cũng cho biết thêm rằng Credit Suisse đã lách các quy định ngân hàng quốc tế khi giữ các quỹ liên quan đến tội phạm và tham nhũng trong nhiều thập kỷ.

Còn theo The Guardian, ngân hàng này đã mở và giữ tài khoản cho nhiều khách hàng có rủi ro cao trên khắp thế giới, bất chấp những cam kết loại các khách hàng không rõ ràng và quỹ bất hợp pháp.

Trước vụ bê bối lớn nhất lịch sử, Credit Suisse tuyên bố "bác bỏ mạnh mẽ" những cáo buộc đưa ra về hoạt động kinh doanh của mình, cho rằng các vấn đề này được “đào lại” từ quá khứ (năm 1940) và thông tin không chính xác về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ngân hàng Thuỵ Sĩ nói thêm rằng họ không thể bình luận về các khách hàng và họ đã thực hiện hành động "vào những thời điểm thích hợp" để giải quyết những khách hàng không phù hợp.

Trong phần lớn thập kỷ qua, gã khổng lồ tài chính có trụ sở tại Zurich đã trải qua hết từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác khi thực hiện vai trò của mình trong việc giúp khách hàng rửa các khoản tiền bất chính, bảo vệ tài sản khỏi bị đánh thuế và viện trợ tham nhũng.

Năm 2014, ngân hàng này nhận tội giúp người Mỹ khai thuế sai và đồng ý trả 2,6 tỷ USD tiền phạt và bồi thường. Năm 2021, Credit Suisse cũng đồng ý trả 475 triệu USD cho vai trò của mình trong một âm mưu hối lộ ở Mozambique.

Công ty đã phải thay thế cả giám đốc điều hành và chủ tịch của mình trong vòng hai năm qua và dính vào sự sụp đổ của công ty tài chính chuỗi cung ứng Greensill cũng như quỹ đầu cơ Archegos của Mỹ.

Người tố cáo Credit Suisse cho biết: “Lời bào chữa bảo vệ quyền riêng tư tài chính chỉ là một cái cớ để che đậy vai trò đáng xấu hổ của các ngân hàng Thụy Sĩ trong vai trò giúp đỡ cho những kẻ trốn thuế. Tình trạng này tạo điều kiện cho tham nhũng và khiến các nước đang phát triển thiếu nguồn thu thuế cần thiết”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật