Ngân hàng tăng lãi suất huy động: Khát vốn, doanh nghiệp thêm lo
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, để hút khách gửi tiết kiệm, nhiều ngân hàng thương mại ngoài tăng lãi suất còn triển khai thêm chương trình tặng quà. Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân nơm nớp lo gánh nặng khi lãi suất cho vay tăng.
Doanh nghiệp mong tiếp cận được vốn vay để thúc đẩy sản xuất. Trong ảnh, xưởng sản xuất của DN dệt may. Ảnh: Như Ý |
Sau hơn 2 năm gần như “đóng băng” vì dịch bệnh, từ giữa năm 2022 đến nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc trở lại. Thời điểm cuối năm cận kề, đơn hàng của doanh nghiệp tăng hơn so với trước. Cùng với đó, thời gian dịch bệnh diễn ra kéo dài đã khiến doanh nghiệp “ăn mòn” lợi nhuận tích lũy trước đó. Khi nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh tăng lên cũng là lúc doanh nghiệp rơi vào cảnh khát vốn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, chủ một doanh nghiệp may tại Thanh Hóa cho biết, số đơn hàng cho cuối năm tăng khiến nhu cầu vốn để nhập nguyên liệu, mua thêm dây chuyền sản xuất, thuê nhân công đều tăng. Ông Vinh gõ cửa nhiều ngân hàng nộp hồ sơ vay vốn nhưng gặp khó khăn, nhiều ngân hàng đưa ra lí do hết hạn mức tín dụng.
“Lợi nhuận tích lũy những năm trước đây chúng tôi đã dùng hết trong suốt mấy năm chống chọi dịch bệnh. Khi cần vốn đầu tư sản xuất, chúng tôi khó vay ngân hàng, bởi quy định về tài sản thế chấp chặt chẽ, hạn mức tín dụng cũng cạn. Trong khi đó, lãi suất khoản vay trước đó của chúng tôi nguy cơ tăng do thỏa thuận lãi suất thả nổi theo thị trường”, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động |
Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều người dân cũng lo lắng trước nguy cơ tăng lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay. Chị Lê Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị vay mua nhà trả góp và tính theo lãi suất thị trường. Theo hợp đồng tín dụng, khoản vay của chị Ngọc được tính lãi suất hằng tháng bằng lãi suất huy động 24 tháng cộng thêm biên độ 4%.
“Hiện nay, khoản vay mua nhà của tôi đang chịu lãi suất 10,1%. Mỗi tháng tiền lãi ngân hàng gia đình tôi phải trả khoảng 7 triệu đồng. Trong khi thu nhập gia đình không tăng, nếu lãi suất huy động tăng, để bù vào tiền lãi ngân hàng tăng thêm, gia đình tôi phải tiết kiệm chi phí sinh hoạt” chị Ngọc cho biết.
Lãi suất huy động tăng cao Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại lập tức nâng lãi suất huy động. Biểu lãi suất huy động ngắn hạn tăng lên mức tối đa. Trước đây, lãi suất tiết kiệm 7%/năm chỉ có ở kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng nay đã xuất hiện ở kỳ hạn 6 tháng của nhiều ngân hàng như SCB, SHB, Bản Việt… Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất huy động ở một số nhà băng vượt 8%/năm, như PVCombank 8,5%/năm với chứng chỉ tiền gửi; Nam Á Bank cũng áp dụng lãi suất tiết kiệm lên đến 8%/năm. Ðáng chú ý, nhóm 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank (Big4) đã nhập cuộc đua lãi suất, với mức tăng cao nhất 1%. Nhóm Big4 tăng mạnh lãi suất áp dụng với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Việt Linh |
Theo bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, giai đoạn cuối năm, DN cần vốn để chạy tiến độ đơn hàng. Nguồn vay khó, lãi suất nguy cơ tăng khiến doanh thu của doanh nghiệp chỉ đủ bù chi phí. Lãi suất phổ biến của DN tại ngân hàng khoảng 8-10%/năm. Nếu lãi suất tăng cao, lợi nhuận của DN ngày càng giảm.
Với gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% của Chính phủ, theo bà Ngân, một trong những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận khoản vay ưu đãi này là phải nằm trong nhóm giảm doanh thu của năm trước đó, khiến doanh nghiệp không mặn mà. Việc giảm doanh thu sẽ khiến doanh nghiệp mất uy tín. Vì vậy, chính sách ưu đãi lãi suất chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, khi huy động vốn với lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức tăng sẽ khôngcao. “Một số ngân hàng có hệ số Casa (hiểu đơn giản là tiền gửi không kỳ hạn) tương đối lớn - đây là dư địa để ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay”, ông Hùng nói.
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6/2022, số dư tiền gửi của người dân hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi người dân gần gấp đôi so với tiền gửi của tổ chức kinh tế.
Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, thời gian qua, hệ số NIM - biên lãi ròng (sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) của nhiều ngân hàng ở mức cao. Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, các ngân hàng nên chia sẻ với khách hàng, hạ bớt hệ số NIM để từ đó giữ ổn định lãi suất cho vay.