Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng CASA
Các chuyên gia đánh giá, với những lợi ích lớn, cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, đặc biệt là khi các nhà băng mạnh tay miễn phí dịch vụ đồng thời liên tục cập nhật các công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng.
Lâu nay các ngân hàng đã rất tích cực thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Trong vài năm gần đây xu hướng này càng được đẩy mạnh. Bởi lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm. Vì thế ngân hàng nào thu hút được nhiều tiền gửi loại này, càng có nhiều nguồn vốn giá rẻ, từ đó gia tăng được hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cũng bởi vậy, cuộc đua tăng CASA ngày càng gay cấn.
Khảo sát tại hơn 20 ngân hàng, có tới 2/3 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA đi lên trong năm qua. Với nền tảng vững chắc được thiết lập, trong vài năm qua, bộ ba Techcombank, MB và Vietcombank giữ vững vị trí top đầu trong “bảng xếp hạng” CASA.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng là cơ hội cho ngân hàng hút vốn CASA |
Đến hết năm 2021, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống đạt 50,5% với số dư CASA đạt 158.900 tỷ đồng cải thiện đáng kể so với mức 46% năm 2020 và là mức cao kỷ lục trong hệ thống ngân hàng. Đây là năm thứ ba liên tiếp Techcombank duy trì vị trí quán quân về tỷ lệ CASA. MB đang bám sát Techcombank trong cuộc đua CASA. Trong năm 2021, tổng tiền gửi của khách hàng của MB tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tăng tới gấp rưỡi lên 171.396 tỷ đồng. Ước tính tỷ lệ CASA của MB đến cuối năm 2021 ở mức 49% cũng là mức cao nhất về CASA mà MB đạt được từ trước đến nay. Tuy tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn các ngân hàng trên, nhưng Vietcombank vẫn đang có nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất hệ thống với số dư đạt 405.100 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA tăng từ 32,8% năm 2020 lên 35,68% năm 2021.
Cuộc đua này càng trở nên nóng hơn bao giờ hết với sự nhập cuộc của một số ngân hàng cổ phần cỡ vừa và nhỏ. Điển hình là MSB, tính đến cuối năm 2021, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tăng tới 33% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng tới 37,73% tổng tiền gửi. Tỷ trọng này tăng trưởng đáng kể so với mức 29% vào cuối năm 2020. Ngân hàng có sự bứt phá về tỷ lệ CASA nữa đó là ACB. Tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng cuối năm 2021 là 96.747 tỷ đồng, chiếm 25,47% trong tổng tiền gửi khách hàng. Tỷ lệ này đã cải thiện đáng kể so với mức 21,62% năm 2020. Hay như KienLongBank, tỷ lệ CASA ngân hàng này tăng mạnh từ 3,3% hồi đầu năm lên 15,5% khi kết thúc năm 2021. Xét về tỷ lệ con số tuyệt đối vẫn ở mức khá khiêm tốn nhưng KienLongBank vẫn nằm trong nhóm những nhà băng có tốc độ tăng trưởng CASA tăng mạnh nhất hệ thống trong năm qua khi tăng vọt tới 5,8 lần.
Dễ nhận thấy sự bứt phá trong tăng trưởng CASA của các ngân hàng nhờ hoạt động số hoá ngân hàng. Lãnh đạo MSB cho biết, CASA tăng trưởng tốt chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân và DNNVV. Nhờ đẩy mạnh số hóa, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên nền tảng giao dịch online, đáp ứng nhu cầu của khách hàng đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, số lượng và giá trị giao dịch e-banking của khách hàng cá nhân đã tăng vọt tương ứng 46,6% và 79% so với năm 2021. Riêng trong tháng 1/2022, tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này đã tăng thêm 2.350 tỷ đồng.
Tương tự tại MBBank, ngân hàng đã thành lập thị trường chuyển nhượng tiền gửi cũng như tạo ra một số tiện ích mới trong ứng dụng MBB App. Bên cạnh đó, ý tưởng cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng với số tài khoản trùng với số điện thoại của khách hàng đã giúp MBB mở rộng tệp khách hàng của mình. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2021, app MBBank ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới tăng gấp 320% so với năm 2020. Đến nay, giao dịch trên kênh số tại MB chiếm khoảng 92%.
Nhìn chung, tỷ lệ CASA của toàn ngành có xu hướng được cải thiện khá tốt trong năm qua. Các ngân hàng ở các nhóm đang có sự bám đuổi khá quyết liệt. Do vậy, nếu muốn giữ vững thị phần, ngân hàng cần phải có giải pháp đột phá để vừa giữ chân khách hàng vừa hút thêm khách hàng mới. Lãnh đạo MSB cho biết, trong năm 2022, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh CASA, giảm chi phí vốn và giảm CIR. Hai dự án chiến lược là thay mới Core-banking và “Nhà máy số” được kích hoạt trong năm 2021 sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022 với mục tiêu nâng tỷ lệ số hóa các dịch vụ của ngân hàng lên khoảng 60% trong 3 năm tới.
Dù vững vàng vị trí dẫn đầu nhưng Techcombank vẫn bày tỏ tham vọng tăng tỷ lệ CASA ở mức cao hơn nữa. Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp của Techcombank Ngô Hoàng Hà khẳng định, mức CASA 50,5% mà ngân hàng đạt được chưa phải là đỉnh. Mục tiêu CASA của ngân hàng lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên ngân hàng cần phải có sự khác biệt nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Chẳng hạn, đối với khách hàng thu nhập cao không chỉ có nhu cầu giao dịch mà còn có nhu cầu quản lý tài sản. Theo đó, Techcombank đưa ra hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu đầu tư bất động sản, đầu tư trái phiếu, sử dụng thẻ tín dụng… Khách càng giao dịch nhiều thì càng có mức giá ưu đãi. “Đây là điểm mà nói thì dễ nhưng rất khó để các ngân hàng khác bắt chước”, ông Hà chia sẻ.
Các chuyên gia đánh giá, với những lợi ích lớn, cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, đặc biệt là khi các nhà băng mạnh tay miễn phí dịch vụ đồng thời liên tục cập nhật các công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng. Minh chứng, ngay từ đầu năm 2022, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank đã chính thức miễn phí toàn bộ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền nội, ngoại mạng… Như vậy, cuộc đua “zero fee” đã chính thức có sự tham gia của nhóm “Big4”. Việc thực hiện chính sách “zero fee” đồng loạt, dự báo các ngân hàng thu hút thêm lượng khách hàng mới. Ngoài ra, với việc thu hút ngày càng nhiều lượng tiền gửi không kỳ hạn với chi phí thấp sẽ giúp NHTM huy động nguồn vốn đầu vào thấp hơn nhiều so với gửi tiết kiệm có kỳ hạn đang có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng đầu năm nay.
Nguyễn Vũ