Lợi ích bất ngờ từ việc vốn hoá Facebook giảm xuống dưới 600 tỷ USD
Lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, vốn hoá thị trường của Meta đã giảm xuống dưới ngưỡng 600 tỷ USD sau khi công ty này liên tiếp đón nhận các thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, theo góc nhìn của các nhà lập pháp, việc Meta có mức vốn hoá thấp có thể khiến công ty tránh được một số tác động của luật chống độc quyền nhằm vào "Big Tech".
Ngày 9/2, cổ phiếu Meta đã giảm 2,1%, khiến vốn hoá công ty giảm xuống còn 599,32 tỷ USD sau tin tức người đầu tư đời đầu cho Facebook là tỷ phú Peter Thiel rời hội đồng quản trị công ty.
Đây là lần đầu tiên Facebook có mức vốn hoá dưới 600 tỷ USD kể từ tháng 5/2020, khiến nhiều người càng thêm vững tin công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang trên đà lao dốc.
Việc vốn hoá thị trường giảm chắc chắn là một tin tức tiêu cực đối với việc kinh doanh vốn đã gặp nhiều khó khăn của công ty. CEO Mark Zukerberg – người vừa mất gần 30 tỷ USD tài sản ngày 3/2, cũng chứng kiến khối tài sản ròng tiếp tục giảm chỉ còn 78,7 tỷ USD vào ngày 9/2, theo Forbes.
Tuy nhiên, xét theo góc độ tích cực, việc Facebook bị giảm vốn hoá dường như đã đưa công ty về “ngưỡng an toàn” tránh được việc bị các nhà lập pháp theo dõi gắt gao. Bởi lẽ, con số vốn hóa thị trường 600 tỷ USD cũng là ngưỡng mà các nhà lập pháp Hạ viện chọn để xác định một công ty có được coi là thuộc Big Tech và chịu ảnh hưởng bởi dự luật chống độc quyền hay không.
Nếu Meta duy trì ở dưới ngưỡng đó, công ty có thể tránh được những rào cản kiểm soát việc tiến hành kinh doanh và thực hiện các giao dịch, trong khi các đồng nghiệp lớn hơn khác như Amazon, Alphabet, Apple và thậm chí là Microsoft phải tuân theo các quy tắc.
Điều này sẽ giúp Meta có được một số lợi ích đặc biệt, nhất là trong thời điểm công ty vẫn phải đối mặt với sự theo dõi chống độc quyền gắt gao và hiện đang đối mặt với nhiều vụ kiện pháp lý liên quan tới nội dung nền tảng Facebook và các chính sách quảng cáo.
Tiêu biểu nhất, Facebook hiện đang đấu tranh với một vụ kiện chống độc quyền theo luật hiện hành từ Ủy ban Thương mại Liên bang, cáo buộc rằng họ đã sử dụng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì quyền lực độc quyền. Nếu dự luật mới này trở thành luật và Meta phải tuân theo nó, nó có thể khiến công ty khó thực hiện các thương vụ mua lại tương tự trong tương lai.
Đương nhiên, việc Meta có thể tránh khỏi "đòn" từ một dự luật độc quyền trong tương lai không thể xoá bỏ những khó khăn mà công ty đang phải đối phó ở thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, dù đối mặt với khó khăn bủa vây, Meta vẫn tỏ ra khá cứng rắn với các chính sách của mình và thậm chí gần đây còn "doạ" sẽ đóng cửa Facebook và Instagram tại châu Âu do tranh chấp về chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, các nhà quản lý châu Âu cho thấy mình không hề e ngại điều này khi cho rằng "cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều nếu không có Facebook và chúng tôi sẽ sống tốt hơn nhiều mà không cần Facebook".
Xem thêm >> Mark Zuckerberg dọa đóng Facebook, Instagram tại châu Âu