Láng giềng dẫn đầu thị trường 4.500 tỷ USD, Việt Nam xem đây là "mỏ vàng" cần khai phá
Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,33% trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,33% trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030.
Thị trường thực phẩm halal toàn cầu đang thu hút sự chú ý đáng kể với quỹ đạo tăng trưởng nhanh, dự kiến đạt mức định giá khoảng 4.569,69 tỷ USD vào năm 2030 , tờ The Malaysian Reserve dẫn thông cáo của Research And Markets cho biết.
Phân tích thị trường này cho thấy sự gia tăng được thúc đẩy bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố mạnh mẽ, bao gồm nhận thức ngày càng cao về sức khỏe của người tiêu dùng và sự thay đổi lối sống theo hướng chế độ ăn halal, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của dân số Hồi giáo trên toàn thế giới.
Báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng ổn định dự kiến trên thị trường thực phẩm halal toàn cầu, dự kiến thị trường này sẽ chứng kiến CAGR ấn tượng là 9,33% trong giai đoạn dự báo từ năm 2024 đến năm 2030.
Sự mở rộng thị trường này dựa trên cơ sở người tiêu dùng ngày càng tăng, không chỉ giới hạn ở các quốc gia Hồi giáo mà trên toàn cầu, thể hiện nhu cầu đối với các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn halal về độ tinh khiết và tính cho phép.
Các công ty lớn trong ngành đang chủ động mở rộng danh mục đầu tư để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường bằng cách đưa vào vô số sản phẩm được chứng nhận halal như mì ống, rau, sản phẩm từ sữa...
Các phân khúc chính trong thị trường thực phẩm halal toàn cầu bao gồm nhiều loại sản phẩm, trong đó các sản phẩm thịt chiếm thị phần đáng kể, do nhu cầu về thịt hợp vệ sinh và không có vi sinh vật tăng cao. Về kênh phân phối, siêu thị và đại siêu thị đóng vai trò then chốt, hưởng lợi từ quy mô kinh tế và cung cấp nhiều loại sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
Năm 2023, năm thứ 10 liên tiếp, Malaysia dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIEI). Malaysia đã đạt được vị trí hàng đầu trong nhiều lĩnh vực bao gồm Tài chính Hồi giáo, Thực phẩm Halal và Truyền thông & Giải trí. Thành tựu đáng chú ý này củng cố vị thế của Malaysia là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về kinh tế Hồi giáo, trang web của Cơ quan Xúc tiến Thương mại Quốc gia Malaysia cho biết.
Theo báo cáo Kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal (HIMP) 2023, thị trường halal của Malaysia dự kiến sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 523,53 tỷ RM (113,2 tỷ USD). Và đến năm 2030, ngành công nghiệp halal tại Malaysia sẽ đóng góp gần 11% vào GDP của đất nước , tạo ra hơn 700.000 cơ hội việc làm.
Vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm halal của Malaysia đạt 59,46 tỷ RM (12,89 tỷ USD). Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Malaysia đặt mục tiêu đạt 70 tỷ RM (15,19 tỷ USD).
Malaysia đã được công nhận là quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong việc thành lập hệ thống chứng nhận halal quốc gia. Thông qua Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM), hệ thống chứng nhận halal của Malaysia đã củng cố vị thế của mình thông qua mạng lưới hơn 80 tổ chức chứng nhận nước ngoài từ hơn 45 quốc gia.
Việc đảm bảo chất lượng được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng chất lượng halal được thiết lập và có cấu trúc tốt, bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp (chứng nhận và thử nghiệm), khả năng truy xuất nguồn gốc và sự công nhận toàn cầu hỗ trợ thương mại và công nghiệp, người tiêu dùng và khuôn khổ pháp lý liên quan về halal.
Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia thị trường halal
Hồi tháng 7 năm nay, tại hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái halal: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam”, PGS.TS Đinh Công Hoàng cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành halal khi có vị trí địa lý gần thị trường halal, 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á. Nguyên liệu thuỷ sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, trà, hồ tiêu, gia vị, cao su, điều... là các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, 17 FTA "thế hệ mới", chất lượng cao với các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...), đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp cận thị trường halal thế giới.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay không có nhiều người Việt Nam kể cả doanh nghiệp có hiểu biết về halal. Quá trình chứng nhận halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hòa với quốc tế.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao khi đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của halal (chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản...) và tuân theo các tiêu chuẩn halal.
Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu vắng một hệ sinh thái halal đầy đủ (gồm hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở và hỗ trợ của Nhà nước) để phát triển ngành halal bền vững.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu chỉ khoảng 20 sản phẩm halal, chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal.
Halal, có nghĩa là "hợp pháp" trong giáo lý Hồi giáo , ám chỉ đến thức ăn và đồ uống mà người Hồi giáo được phép sử dụng. Bất cứ thứ gì không đáp ứng sự “hợp pháp” này đều được coi là haram hoặc "không được phép".
Theo Dy Khoa
Nhịp sống thị trường