Làn sóng đầu tư mới, các tập đoàn lớn đổ bộ về Khánh Hòa
Được Trung ương trao nhiều cơ hội, cùng với hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, Khánh Hòa đang chuyển mình thành điểm sáng, thu hút hàng loạt tập đoàn lớn đổ về đầu tư.
Đột phá từ nghị quyết lớn
Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế biển, là đô thị thông minh, phát triển bền vững.
Tiếp đến, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa gồm quản lý tài chính, ngân sách, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Nghị quyết 55 có thời hạn 5 năm, tính từ ngày 1/8/2022.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho hay những nghị quyết của Trung ương đã tạo thành cơ sở chính trị pháp lý quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong tầm nhìn dài hạn cũng như các bước đi trước mắt. Trong đó, Nghị quyết 09 là quan trọng nhất và là nền tảng của những nghị quyết khác.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, Khánh Hòa sẽ công bố 4 quy hoạch lớn của tỉnh, trong đó, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn 2050 đã được công bố. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Về phát triển hạ tầng, loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã, đang và sẽ được triển khai. Cụ thể, tháng 6/2023, tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm đã chính thức khánh thành. Dịp này, cao tốc trục ngang Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đã được khởi công. Ngoài ra, cao tốc Vân Phong - Nha Trang cũng đang được thi công. Phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay việc đưa vào khai thác 2 đoạn cao tốc đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ TP. HCM - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu du lịch, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất duyên hải tươi đẹp Nam Trung Bộ, kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn là TP. HCM và Khánh Hòa.
Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng đã đưa vào khai thác dự án đường giao thông từ quốc lộ 1 đi Đầm Môn (huyện Vạn Ninh), từng bước hoàn thành về hạ tầng khu vực phía bắc Khu kinh tế Vân Phong, nâng cao sức hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư đẩy mạnh sự phát triển của khu kinh tế này.
Làn sóng đổ bộ của các tập đoàn lớn
Những cơ chế, chính sách được triển khai, những cú hích về hạ tầng giao thông đã hình thành một làn sóng đổ bộ của các nhà đầu tư lớn vào nhiều khu vực khác nhau ở Khánh Hòa. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngay từ đầu năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã làm việc với nhiều tập đoàn, công ty quan tâm đề xuất đầu tư các dự án vào khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2023, tỉnh Khánh Hoà đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho loạt dự án có vốn đầu tư lớn và ký biên bản hợp tác với các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, FPT, Trung Nam… Trong đó, Công ty cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà (Tập đoàn Sun Group) nghiên cứu đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) Hòn Lớn – Khải Lương, vốn đầu tư dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng. Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc (Tập đoàn Sun Group) nghiên cứu đầu tư xây dựng Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã – Tu Bông, vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Vân Đồn (Tập đoàn Sun Group) nghiên cứu đầu tư dự án đầu tư xây dựng và vận hành cảng hàng không quốc tế Vân Phong, vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long (Tập đoàn Sun Group) nghiên cứu đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn, vốn đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng.
Tổng Công ty Sonadezi nghiên cứu đầu tư phát triển dự án Khu công nghiệp Ninh Diêm 3, vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Shinec và Công ty Cổ phần SSI nghiên cứu đầu tư phát triển dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng. Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam nghiên cứu đầu tư phát triển dự án Khu công nghiệp Nam Cam Ranh, dự kiến tổng vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn FPT đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Khánh Hòa về hợp tác chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời ký biên bản ghi nhớ đầu tư khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm với vốn đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng…
Hiện địa phương này cũng đã lên kế hoạch phê duyệt đồ án quy hoạch chung, phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư… đối với các dự án. Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt các phân khu chức năng thuộc Khu kinh tế Vân Phong.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho hay các ý tưởng dù hay đến mấy nhưng không thực hiện thì không có giá trị. Vì vậy, nếu như năm 2022 là năm địa phương thực hiện các chính sách thì năm 2023 là năm thực hiện các quy hoạch và thu hút đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Khánh Hòa nằm trong tổng thể phát triển của Việt Nam và hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, phát triển văn hóa…; qua đó tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước.
Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng đã được công bố, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường