• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam có thể tốt hơn từ nửa sau 2024

Tương lai là thứ luôn khó đoán định. Tương lai nền kinh tế và thị trường chứng khoán cũng vậy. Nhưng qua việc dự đoán, phần nào đó của các biến số sẽ hé mở, giúp ta dễ phán đoán và quyết định hơn. Kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán sẽ có triển vọng như thế nào trong năm 2024? Người viết đã trao đổi cùng ông Nguyễn Nhật Khánh - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT để có những góc nhìn về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường trong năm mới.

Ông đánh giá ra sao về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024?

Ông Nguyễn Nhật Khánh: Ở thời điểm hiện tại, đưa ra nhận định cho cả một năm dài là khá khó, chưa đủ cơ sở lập luận. Với diễn biến một năm như vậy, sẽ có rất nhiều biến số, các sự kiện tích cực và tiêu cực đan xen. Năm 2024, người ta đang trông chờ rất nhiều vào việc Fed sẽ có đợt giảm lãi suất từ quý 2 năm sau. Đây là thông tin tích cực và tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không chỉ của Mỹ mà còn cả Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, mục tiêu tăng trưởng năm sau quanh 6% là khả thi.

Đâu là động lực cho nền kinh tế năm 2024?

Nhìn lại, 2023 là năm chúng ta kỳ vọng khá nhiều vào các yếu tố như bất động sản, pháp lý, tăng trưởng tín dụng, phục hồi về đơn hàng xuất khẩu… nhưng đều chưa được như mong muốn.

Các động lực tăng trưởng cho năm sau vẫn đến từ nhóm sản xuất, xuất khẩu và đầu tư công.

Chúng ta đang phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế của các nước là đối tác chiến lược như Trung Quốc và Mỹ. Đây cũng là những khách hàng xuất khẩu lớn của chúng ta.

Đối với Trung Quốc, nhìn trên bề nổi, họ cũng đã thực hiện rất nhiều động thái để kích thích kinh tế, nhưng tôi thấy chưa hiệu quả. Về phía Mỹ, động lực kinh tế vẫn còn tăng trưởng, chủ yếu từ nhóm công nghệ; những nhóm khác cũng chưa thực sự mạnh.

Chúng ta vẫn kỳ vọng kinh tế sẽ tốt hơn một chút so với năm nay, nhưng chưa thể diễn ra ở quý 1 và quý 2 được; có thể là nửa năm sau.

Đặc biệt, xu hướng nợ xấu ngân hàng trong năm nay tăng khá mạnh, theo các số liệu mà tôi quan sát. Ở quý 4/2023, tôi muốn nhìn thấy sự tăng trưởng nợ xấu giảm tốc thì đó mới là tín hiệu tích cực để quý 1 kinh tế có khả năng tạo đáy; còn nếu như quý 4/2023, nợ xấu tăng nhiều hơn thì quý 1 năm sau chưa thể tốt được. Nợ xấu đang tiếp tục gia tăng là nỗi lo lớn nhất của tôi ở thời điểm hiện tại.

Chúng ta phải thấy được điểm trũng thấp nhất của nền kinh tế ở quý 1 và quý 2, thì quý 3 và quý 4 mới có nền tảng tốt để kỳ vọng.

Các yếu tố nền tảng cơ bản xấu nhất đã đi qua rồi, nhưng kinh tế vẫn chưa đi lên được, chỉ đi ngang và có thể rơi xuống nữa nếu như nội lực kinh tế không đủ mạnh.

Nếu Fed có điểm đảo chiều chính sách trong năm 2024 đúng như dự đoán thì áp lực tỷ giá đối với Việt Nam có dễ thở hơn?

Dự báo hiện tại cũng còn sớm, nhưng tôi nghĩ, tạm thời tỷ giá sẽ duy trì ở vùng 24,000 VND/USD, sẽ không giảm tiếp; giai đoạn biến động mạnh đã đi qua rồi. Tỷ giá một khi neo cao ở vùng này, thường sẽ có xu hướng đi lên. Nền kinh tế Mỹ lại là nền kinh tế có triển vọng tích cực hơn so với rổ DXY, tức là rổ 6 nước giao thương với Mỹ, chứ không phải đồng VND mất giá so với USD do nền kinh tế chúng ta yếu hơn. Mỹ mạnh hơn 6 đối tác của họ nên khi DXY mạnh lên, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

Ông có bình luận gì về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024, khi đà giảm lợi nhuận các doanh nghiệp đang thu hẹp?

Có thể sẽ tốt hơn. Quý 3 vừa rồi, đà suy giảm đã giảm. Ở quý 4 này, tôi cũng muốn nhìn thấy điều đó, cùng với việc nợ xấu ngân hàng giảm, vì đó là 2 yếu tố giống như “tay trong tay”, tức vì doanh nghiệp tốt lên nên nợ xấu sẽ giảm, nợ xấu giảm chứng tỏ nội lực các doanh nghiệp đang tốt dần.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên sàn chỉ là đại diện cho những gì ưu tú nhất của nền kinh tế chứ không đại diện cho bức tranh chung.

Nếu chúng ta xét thang điểm của nền kinh tế từ 0 đến 10 thì nhóm các doanh nghiệp niêm yết trên sàn là những doanh nghiệp ưu tú, với điểm xếp hạng từ 7 - 9; còn phần lớn nền kinh tế vẫn đang ở mức dưới trung bình. Tôi vẫn nghĩ, năm sau sẽ là năm có sự phục hồi tốt hơn năm nay.

Theo quan điểm của ông, VN-Index sẽ biến động thế nào trong năm 2024? Ông có bình luận gì về động thái của khối ngoại trong giai đoạn cuối 2023?

Kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể vượt 1,300 điểm, nhưng trước đó thì VN-Index có thể về quanh vùng 1,000 điểm để kiểm định lại vùng này.

Việc khối ngoại bán mạnh có nhiều nguyên nhân, có thể do chiến lược đầu tư và việc bán cũng có nhiều nhóm bán. Sự tác động của khối ngoại lên thị trường là không lớn, chủ yếu tác động về mặt tâm lý. Nếu nói khối ngoại là tác nhân gây ra những đợt sụt giảm mạnh của thị trường là không hợp lý.

Chiến lược của khối ngoại sẽ có sự xoay chuyển, cơ cấu từ nhiều nền kinh tế, từ nhiều đất nước, từ nhiều lớp tài sản và điều đó tùy thuộc vào người vận hành quỹ.

Nhưng đó cũng là một tín hiệu, rằng các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ rằng thị trường của chúng ta sẽ còn giảm nên mới bán ra quyết liệt ở giai đoạn này. Chúng ta có thể xem đó là nhận định của họ.

Rủi ro nào cần chú ý trong năm 2024?

Về địa chính trị thì không. Rủi ro tôi quan tâm nhất trong năm 2024 là nợ xấu của ngân hàng. Sóng của ngành ngân hàng sẽ khá mạnh từ quý 2 trở đi.

Ở kịch bản tích cực, chúng ta sẽ có sự tham gia tích cực của ngành ngân hàng. Nếu VN-Index muốn từ 1,300 điểm trở lên thì bắt buộc phải có sự góp mặt của ngành ngân hàng. Hiện tại, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng đang có dấu hiệu hụt rơi rất rõ.

Xin cảm ơn ông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật