• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế tư nhân - đột phá chiến lược kiến tạo quốc gia thịnh vượng

Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đang từng bước chuyển mình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao nhờ vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một tuyên ngôn chính trị nhất quán mà còn mang đậm tính thời sự và tầm nhìn chiến lược, khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tư nhân và mở ra kỷ nguyên mới cho doanh nghiệp Việt.

Đại đô thị Vinhomes Ocean Park 1 với tòa tháp văn phòng biểu tượng Technopark nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup

Đại đô thị Vinhomes Ocean Park 1 với tòa tháp văn phòng biểu tượng Technopark nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup

Từ vị thế khiêm tốn đến trụ cột vững chắc

Trong hơn 3 thập kỷ đổi mới, kinh tế tư nhân - từ chỗ bị xem là "phi chính thống" - đã trở thành một trong những trụ cột vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 năm 2011 và Trung ương thông qua Nghị quyết số 10 năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ. Với đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm và chiếm tới 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, khu vực này ngày càng chứng minh là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mang tính lịch sử.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và khơi dậy khát vọng vươn tầm của dân tộc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân không phải là một lựa chọn tình thế mà là chủ trương chiến lược, được đặt trong tổng thể tầm nhìn quốc gia, gắn với 2 mục tiêu 100 năm (tới 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước).

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó bao gồm: Xóa bỏ mọi rào cản và lợi ích nhóm; bảo đảm công bằng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng thể chế đồng bộ, nhất quán, đầy đủ và hiệu quả. Nếu thể chế không thông suốt, mọi động lực sẽ bị kìm hãm.

Kinh tế tư nhân - đột phá chiến lược kiến tạo quốc gia thịnh vượng

THACO INDUSTRIES tập trung tuyển dụng số lượng lớn kỹ sư cho Trung tâm R&D mới, hướng đến cải tiến công nghệ và năng lực sản xuất

Đòn bẩy thể chế và cảm hứng khởi nghiệp

Một nền hành chính phục vụ - lấy doanh nghiệp làm trung tâm - cần được thiết lập, trong đó sự hài lòng và thành công của doanh nghiệp là thước đo hiệu quả. Việc tạo điều kiện tiếp cận công bằng các nguồn lực đất đai, vốn, nhân lực, công nghệ là yếu tố then chốt để phục hồi niềm tin và khơi thông dòng chảy đầu tư tư nhân.

Kinh tế tư nhân không phải là "bổ trợ" mà là một trong những "trụ cột" của nền kinh tế. Để khu vực này thực sự trở thành đòn bẩy phát triển, cần xây dựng một môi trường thông thoáng, công bằng, bình đẳng, hạn chế sự can thiệp mệnh lệnh của Nhà nước, đồng thời bảo vệ vững chắc quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi.

Không chỉ khơi thông các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, pháp lý, mà điều quan trọng hơn là phải truyền cảm hứng, tạo động lực từ niềm tin vào nội lực dân tộc, vào tinh thần khởi nghiệp và khát vọng làm giàu chính đáng. Phải thống nhất nhận thức rằng: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, là trụ cột hàng đầu trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.

Thực tế cho thấy bức tranh kinh tế tư nhân hiện nay vừa có gam sáng, vừa có gam tối. Sáng ở những tập đoàn vươn tầm quốc tế như Viettel, Vingroup, FPT, THACO… nhưng tối ở chỗ, hơn 97% doanh nghiệp tư nhân vẫn thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực hạn chế, năng lực quản trị yếu, thiếu kết nối với nhau và với khối FDI.

Trụ sở chính của Tập đoàn FPT tại Hà Nội, Việt Nam

Trụ sở chính của Tập đoàn FPT tại Hà Nội

Trong đó, chuyển đổi số và công nghệ 4.0 còn chưa được tận dụng tốt. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm mới còn rất hạn chế.

Để tháo gỡ, chúng ta cần có các chính sách cụ thể, hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, thúc đẩy liên kết ngành và chuỗi giá trị.

Từ chính sách tới hành động: Khơi thông sức mạnh tư nhân

Một điểm nhấn trong tư duy phát triển mới là thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), huy động vốn tư nhân cho các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng, giáo dục, y tế, năng lượng, môi trường… Không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách, PPP còn góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng dịch vụ công và chia sẻ rủi ro.

Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc từ các mô hình PPP như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, các công trình trọng điểm. Đây là minh chứng cho chuyển động tích cực trong tư duy quản trị quốc gia.

Kinh tế tư nhân - đột phá chiến lược kiến tạo quốc gia thịnh vượng

Sau 50 năm giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển mạnh mẽ

PPP cũng là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và thực hành đạo đức kinh doanh chính là nền tảng cho thế hệ doanh nhân mới - những người không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần kiến tạo tương lai cho đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định: Phải tạo ra đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân, chọn đúng "đòn bẩy" chiến lược, tạo bước ngoặt cho sự bứt phá. Điều mà kinh tế tư nhân cần không chỉ là vốn hay ưu đãi mà là niềm tin - vào thể chế, chính sách, sự công bằng và minh bạch.

Cần khai phóng toàn bộ nội lực dân tộc: Con người, tài nguyên, truyền thống lịch sử, kết hợp hài hòa với ngoại lực về vốn, công nghệ, quản trị… tạo nên sức mạnh tổng hợp. Muốn vậy, Nhà nước cần đồng hành, bảo vệ lợi ích chính đáng, lan tỏa cảm hứng cống hiến.

Nhấn mạnh về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia, Tổng Bí thư và Thủ tướng chính phủ cùng khẳng định: Phải đặt trọn niềm tin vào khu vực tư nhân, xem họ là đối tác chiến lược, đồng hành với Nhà nước trong kiến tạo và phát triển quốc gia.

Kinh tế tư nhân - đột phá chiến lược kiến tạo quốc gia thịnh vượng

Các doanh nghiệp tham quan, trải nghiệm thực tế hạ tầng cảng biển quốc tế Chu Lai

Trong đó, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là một tuyên ngôn phát triển mạnh mẽ, định vị lại vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong hành trình phát triển đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam cần giải phóng toàn bộ sức sản xuất, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, xây dựng các doanh nghiệp đầu đàn, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Kinh tế tư nhân không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chỉ báo về chất lượng thể chế, mức độ minh bạch và năng lực hội nhập của quốc gia. Với hơn 800 nghìn doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động, kinh tế tư nhân - khi được tiếp sức bởi thể chế vững vàng và niềm tin mạnh mẽ - chính là lực đẩy đưa Việt Nam bước vào hàng ngũ các nước phát triển, trở thành quốc gia thịnh vượng, tự cường và sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết