• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp

NHNN đang tích cực triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tại cuộc họp chính sách tháng 3 diễn ra giữa tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm trăm, từ 0-0,25% lên 0,25-0,5%, lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2018. Mặc dù động thái tăng lãi suất cũng như mức tăng lãi suất của Fed đã được thị trường dự báo từ khá sớm, thế nhưng điều đáng chú ý là việc Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đưa ra tín hiệu về lộ trình 6 lần nâng lãi suất trong năm nay.

Không chỉ Fed mà xu hướng thắt chặt lại chính sách tiền tệ cũng diễn ra tại nhiều NHTW trên thế giới. Chẳng hạn chỉ sau quyết định tăng lãi suất của Fed 1 ngày, NHTW Anh cũng quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,75%, lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lãi suất thứ hai kể từ đầu năm. NHTW Canada (BoC) cũng tăng lãi suất chủ chốt từ 0,25% lên 0,5%; NHTW châu Âu (ECB) thì dự kiến sớm tăng lãi suất trong năm nay…

Việc các NHTW trên thế giới tăng lãi suất là để ứng phó với áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng cao do giá dâu tăng. Với Việt Nam, áp lực lạm phát cũng ngày càng rõ hơn khi giá cả hàng hoá trên thế giới vẫn giữ đà đi lên, chuỗi cung ứng còn nhiều đứt gãy, giá xăng dầu tăng… Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân hai tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái.

giu mat bang lai suat hop ly ho tro doanh nghiep
Các ngân hàng đang nỗ lực giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho dù áp lực lạm phát là rất lớn

Theo các chuyên gia, kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro. Bên cạnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lại xuất hiện thêm nhiều rủi ro mới như lạm phát và bất ổn địa chính trị xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tất cả những điều đó, đặc biệt là áp lực lạm phát đang gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Bởi về lý thuyết để kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ cần phải siết chặt lại, lãi suất cần phải tăng như cách mà nhiều NHTW thế giới đang làm. Hơn nữa việc các NHTW lớn trên thế giới tăng lãi suất sẽ tạo sức ép đến tỷ giá mà muốn duy trì tỷ giá ổn định cũng cần phải tăng lãi suất. Thế nhưng, điều đó lại gây khó cho đà phục hồi của nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, thực tế sức ép từ việc tăng lãi suất lên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam từ quý I/2021, song với sự điều hành linh hoạt của NHNN cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu cố gắng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng, thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã thật sự rất nỗ lực bằng mọi biện pháp cắt giảm chi tiêu trong hoạt động, tự nguyện cắt giảm lương… để có thêm nguồn lực tiếp sức cho doanh nghiệp khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19. Năm 2022, mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là hỗ trợ phục hồi kinh tế nên phải làm sao để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, kịch bản xấu nhất là không để tăng lên. Còn kỳ vọng giảm sâu, theo ông Thịnh là khó, vì nguồn lực của từng ngân hàng cũng chỉ có giới hạn.

Thực tế, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào tình hình sức khoẻ tài chính của từng ngân hàng. Ngân hàng nào có thanh khoản tốt, mức độ rủi ro nợ xấu thấp, có tài sản đầu ra chất lượng, cơ cấu nguồn thu đa dạng… sẽ có phần an tâm hơn và có điều kiện tốt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ngược lại, những ngân hàng còn chật vật thanh khoản, lệ thuộc nhiều vào tín dụng, có những rủi ro chưa kiểm soát được… thì đâu đó có thời điểm họ vẫn phải đẩy lãi suất huy động lên, điều này sẽ tác động tới lãi suất đầu ra của họ. Ghi nhận trên thị trường liên ngân hàng, từ đầu năm tới nay, NHNN liên tục bơm ròng trên thị trường OMO hỗ trợ thanh khoản, các mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chủ chốt vẫn ở mức trên 2%/năm.

Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh cũng chia sẻ, nếu kéo giảm thêm lãi suất thông qua lãi suất điều hành, lãi suất tái chiết khấu hay tái cấp vốn của NHNN thì dường như là không khả thi khi dư địa ngày càng hạn hẹp, nhất là khi áp lực lạm phát đang có xu hướng gia tăng.

“Cố gắng không để lãi suất tăng thêm, giữ mặt bằng lãi suất ổn định đã là rất mỹ mãn trong bối cảnh hiện nay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi nếu lãi suất đầu ra tăng thì gói hỗ trợ kia không phát huy được tác dụng. Cần sự phối hợp nhiều quyết sách trong điều hành chính sách tiền tệ thì mới có thể đạt mục tiêu. Đạt mục tiêu ở đây cần phải hiểu là chúng ta đưa ra những quyết định trên nền bối cảnh đã thay đổi so với ban đầu, phù hợp với tình hình thực tế, làm sao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn đòi hỏi đa mục tiêu là rất nan giải”, một chuyên gia nêu quan điểm và đề xuất thêm, chính sách tài khoá gắn với các khoản thuế phải phát huy hiệu quả, thúc đẩy các hoạt động kích thích nền kinh tế thông qua đầu tư công. Đây là một trong những điều phải làm, từ đó giảm áp lực lên chính sách tiền tệ.

Mặc dù vậy theo các chuyên gia, áp lực lạm phát trong nước chủ yếu là do chi phí đẩy, yếu tố lạm phát từ tiền tệ hoàn toàn không có. Bản thân các gói hỗ trợ nền kinh tế 2 năm qua quy mô nhỏ bé và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt rất ít. Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai chỉ có phần nhỏ là hỗ trợ từ tiền tệ. Hơn nữa, quy mô gói hỗ trợ tiền tệ này được NHNN kiểm soát chặt trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Chính vì lạm phát của Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, nên theo giới chuyên môn, NHNN vẫn nên tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ như trong giai đoạn qua linh hoạt nhưng thận trọng. Việc điều tiết để tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hoà cung cầu thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, hay kiểm soát nợ xấu, quản lý rủi ro chủ động… đều là những vấn đề cần phải đặc biệt lưu ý.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri tại một số địa phương mới đây, NHNN cho biết đang tích cực triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Minh Khuê


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật