Giám đốc Yuanta: Nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc, VN-Index tiếp tục chinh phục các mốc đỉnh mới
"Nhà đầu tư đang bước vào giai đoạn lựa chọn cổ phiếu kỹ lưỡng hơn, phân hoá rõ nét hơn chứ không còn "mua đâu thắng đó" như thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua".
VN-Index duy trì Upside trong nửa cuối năm
Tại Tọa đàm "Sóng Chứng Khoán 2023: V hay W?" do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm CTCK Yuanta Việt Nam nhấn mạnh rằng chỉ số VN-Index thường tăng 50% trong năm kế tiếp sau giai đoạn giảm mạnh.
Nhìn vào lịch sử thị trường chứng khoán, xuất hiện nhiều cột mốc tương đồng giữa chỉ số VN-Index và mức lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo vị chuyên gia, mức LNST các DN sụt giảm trên 15% hầu hết khiến VN-Index chịu tác động rất mạnh, đồng thời đẩy P/E thị trường xuống mốc 10 lần. Tuy vậy, thị trường sẽ trở lại tăng trưởng mạnh mẽ sau đó. Thông thường, chỉ số sẽ tăng 50% trong năm kế tiếp, minh chứng là VN-Index đã hồi phục khá mạnh mẽ từ đầu năm 2023.
Trở lại với định giá của thị trường hiện tại, dựa trên mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm so sánh với E/P của VN-Index, mức độ chênh lệch đã dương trở lại. Ông Minh cho biết dù đã trở lại dương nhưng không phải một con số cao so với những năm 2017 hay 2018, do đó, việc thị trường chứng khoán vẫn duy trì Upside trong thời gian còn lại 2023 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thêm vào đó, khuynh hướng lãi suất tiết kiệm còn giảm giúp mức chênh lệch trên còn giảm trong tương lai. "Và việc tăng trưởng lợi nhuận đã tạo đáy trong quý 4/2022 đồng nghĩa với việc E/P còn tăng lên. Hiểu một cách đơn giản, mức chênh lệch lãi suất tiết kiệm và E/P tiếp tục ở mức thấp, thậm chí còn âm thời gian tới khi mà tình hình tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp hồi phục", chuyên gia Yuanta nêu rõ.
Nhịp điều chỉnh lần này sẽ sớm kết thúc
Dựa trên kỳ vọng lãi suất huy động ngân hàng kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,5% và tăng trưởng EPS 2023 trên HoSE là 3% so với 2022, ông Minh đưa ra 3 kịch bản cho chứng khoán Việt Nam. Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index sẽ tiến tới 1.518; kịch bản cơ sở VN-Index sẽ tiến lên 1.265 điểm và đối với kịch bản tiêu cực, xác suất thấp xảy ra chỉ số chính lùi về mốc 885 điểm.
Trong tuần vừa qua, chỉ số chính đã tiệm cận mức đỉnh tháng 3, quanh 1.260-1.265 điểm hết phiên thứ 5 (17/8). Song phiên thứ 6 bất ngờ giảm sâu tới 55 điểm về vùng 1.178 điểm, Giám đốc Yuanta đánh giá nhịp giảm này phản ánh dư địa tăng thêm của thị trường trong ngắn hạn không còn lớn, do đó gây nên áp lực điều chỉnh.
Tuy nhiên, đặc điểm của sóng giảm đợt này sẽ nhanh chóng kết thúc chứ không kéo dài. Theo thống kê của đội ngũ phân tích Yuanta, xu hướng trung hạn của thị trường sẽ xuất hiện 2 nhịp giảm lớn, nhịp giảm lần đầu có thời gian kéo dài thì nhịp giảm kế tiếp sẽ nhanh chóng kết thúc. Chỉ số đã có đợt điều chỉnh đi ngang từ giai đoạn tháng 2 đến tháng 4, kéo dài 3 tháng. Đại diện Yuanta cho rằng đợt giảm lần này sẽ nhanh chóng kết thúc chứ không kéo dài như 3 tháng trước đó. Trong trường hợp xấu nhất, ông Minh dự báo "đáy" của nhịp giảm ở mức 1.125 điểm và hỗ trợ gần nhất là 1.160 điểm.
Dự báo về VN-Index 4 tháng cuối năm, ông Minh cho biết thị trường sẽ bước vào giai đoạn sóng tăng 5 và tình trạng "mua đâu thắng đó" của giai đoạn sóng 3 đã qua đi. Nhà đầu tư đang bước vào giai đoạn lựa chọn cổ phiếu cẩn thận hơn, phân hoá rõ nét hơn chứ không còn dễ dàng như thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua. Đối với đỉnh sóng 5 sắp tới, vị chuyên gia kỳ vọng VN-Index tiến tới 1.415 điểm.
Dựa trên dự báo về thị trường, vị chuyên gia Yuanta khuyến nghị một số dòng cổ phiếu tăng trưởng trong thời điểm còn lại của năm 2023 như nhóm chứng khoán, hoá chất, bất động sản,...