Giám đốc phân tích BSC: Cần xây dựng đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp để đón sóng nâng hạng thị trường
Theo chuyên gia, sự điều chỉnh của thị trường gần đây là một điều cần thiết trong một chu kỳ để hạ nhiệt margin cũng như là để hạ nhiệt sức ép khi nhà đầu tư ngoài liên tục bán ròng.
Thị trường chứng khoán đang chuẩn bị bước vào tháng 7 âm lịch hay còn gọi là “tháng Ngâu”, tháng mà với quan niệm từ trước đến nay sẽ là giai đoạn trầm lắng hơn của thị trường. Tuy nhiên năm nay, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực nâng hạng cho thị trường chứng khoán, cùng với đó kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ ở mức cao trong năm nay. Vậy thị trường bước vào “tháng Ngâu” năm nay có điều gì khác so với những năm trước hay không?
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), thống kê cho thấy những năm gần đây vào tháng Ngâu, thị trường vẫn có sự tăng trưởng, đặc biệt năm nay dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ đạt mức cao, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam đang đến gần hơn với nâng hạng thị trường nên sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường sau khi tích lũy ở ngưỡng 1.200 điểm, đến nay lại bắt đầu bước “tháng Ngâu” và xuất hiện những phiên điều chỉnh, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Từ trước đến nay rất nhiều nhà đầu tư, không chỉ là nhà đầu tư chứng khoán, khi xem xét những quyết định đầu tư lớn thì họ thường hay cho rằng tháng Ngâu là thời gian không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm một thống kê kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến nay thì trong hơn 23 lần tháng Ngâu, chúng ta có khoảng tầm 14 lần thị trường chứng khoán tăng điểm trong giai đoạn tháng Ngâu. Và đặc biệt là trong 5 năm gần đây thì tháng 7 âm lịch vẫn là tháng mà thị trường chứng khoán tăng điểm. Thế nên nếu lo ngại về tháng Ngâu thì tôi nghĩ điều đó không được chứng minh bằng số liệu.
Còn khi chúng ta theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, sau một giai đoạn gần như là đi ngang ở sát với mức 1.300 điểm thì thị trường đã có sự điều chỉnh tương đối. Tôi nghĩ điều này cũng hợp lý nhất định, vì thứ nhất là từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài họ đã bán ròng khoảng 58.000 tỷ đồng, là một mức bán ròng tương đối lớn trong một khoảng thời gian ngắn mà chúng ta thấy trong lịch sử.
Thứ hai là số dư margin trong thị trường cũng đã tăng ở mức khá cao. Theo thống kê và ước tính mới nhất thì tổng số dư margin trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán hiện ở khoảng 218.000 tỷ đồng, tăng tầm 26% so với đầu năm, mức tăng khá mạnh so với năm ngoái. Tại BSC, số dư margin cũng đang cao nhất trong lịch sử mà chúng tôi từng trải qua. Điều này cho thấy rằng dòng tiền trên thị trường phần nào đó khi mà nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đã được mua lại bởi các nhà đầu tư trong nước và được hỗ trợ một phần bởi số dư margin đang tăng lên. Do vậy, sự điều chỉnh của thị trường là một điều cần thiết trong một chu kỳ để hạ nhiệt margin cũng như là để hạ nhiệt sức ép khi nhà đầu tư ngoài liên tục bán ròng trong thời gian vừa qua.
Các nhà đầu tư đã mong đợi kết quả kinh doanh quý II năm nay nhiều tích cực, vậy bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II như thế nào và giá cổ phiếu đã phản ánh điều đó?
BSC cũng vừa làm một thống kê, hiện tại đang có khoảng 370 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên cả ba sàn. Và kết quả kinh doanh đang có sự phân hóa nhất định, khối tài chính chủ yếu bao gồm có ngân hàng và các công ty chứng khoán đang có mức gia tăng lợi nhuận tốt so với cả cùng kỳ năm trước, đặc biệt là khối ngân hàng. Còn khối chứng khoán thì vẫn có tốc độ tăng trưởng dương, khoảng 17,7%. Còn xét theo khối sản xuất thì tốc độ phục hồi lợi nhuận đã đang chậm hơn so với dự kiến, số liệu vừa cung cấp mới nhất của các doanh nghiệp thì mức tăng khoảng 4,5% cho đến 4,8% so với năm ngoái…Tổng hợp lại thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang phản ánh đúng chiều hướng phục hồi chung của kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là những ngành ngân hàng, chứng khoán, ngành công nghệ thông tin hay là viễn thông, bán lẻ đều đang có sự tăng trưởng khá tốt trở lại cùng với đó là khối ngành liên quan đến xây dựng và hóa chất.
Vậy theo dự báo ông, nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ diễn biến như thế nào trong hai quý còn lại của năm 2024?
GDP của quý I và đặc biệt là quý II/2024 đã tăng mạnh hơn so với dự kiến, dẫn đến chỉ số GDP trong trung bình của sáu tháng đầu năm tăng khoảng tầm 6,4 % so với cùng kỳ. Khả năng cao Việt Nam sẽ đạt chỉ tiêu GDP tăng trưởng năm nay. Ngoài ra, chúng ta nhìn thêm những yếu tố đang hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp, yếu tố đầu tiên là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chúng ta đã duy trì một mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, đặc biệt là trong vòng một năm rưỡi trở lại đây. Thứ hai là tỷ giá, sau giai đoạn tăng nóng đợt tháng 3, tháng 4, tháng 5 thì hiện tại đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng USD cũng đang duy trì ở mức giá ổn định, không gây quá nhiều sức ép đến các đồng tiền khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Và yếu tố thứ ba, chúng ta thấy là sự quay trở lại của nhóm FDI, giai đoạn sau Covid thì tốc độ giải ngân FDI tăng trưởng khá chậm, còn hiện tại nhiều dự án đã khởi động trở lại. Kèm theo với đó năm nay xuất nhập khẩu phục hồi rất nhanh, nhập khẩu tăng hơn 17% và xuất khẩu khoảng 14,5%.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ có hai điểm rủi ro cho thị trường. Điểm thứ nhất là Việt Nam cũng như rất nhiều những quốc gia thiên về xuất khẩu khác phụ thuộc nhiều vào sức khỏe kinh tế của các khách hàng lớn, nhiều nhất là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, đối tác Hoa Kỳ lớn nhất cũng đang ở trong trạng thái chuyển đổi nền kinh tế, chúng ta cần phải quan sát kỹ, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người đặt hàng cho những quốc gia như Việt Nam, đặc biệt là cuối năm nay và sang đầu năm sau. Ngoài ra, một yếu tố nữa liên quan đến diễn biến của chính sách tiền tệ, chúng ta biết là các ngân hàng trung ương trên thế giới phần lớn vẫn đang duy trì một chính sách chặt chẽ, trong khi Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng, thiên theo hướng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho sự phục hồi về kinh tế. Do vậy, có sự lệch pha nhất định giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia lớn, trong đó đặc biệt là Hoa Kỳ và Châu Âu. Những điều chỉnh về lãi suất của FED, thường sẽ có tác động tương đối nhiều đến các thị trường và nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng việc FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một đến hai lần trong năm nay. Nên nếu việc đó không xảy ra cũng gây sức ép lên thị trường chứng khoán Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, khuyến khích nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần gia tăng sự ổn định và bền vững hơn cho thị trường, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi cũng tham gia góp ý và theo dõi rất kỹ các văn bản cũng như dự thảo mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, trong đó có liên tiếp bốn dự thảo quan trọng được UBCKNN đưa ra để tham khảo ý lấy kiến của thị trường. Điểm tích cực tôi thấy rằng UBCK cũng như Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế để đưa ra những giải pháp có thể gỡ những điểm vẫn còn đang vướng khi muốn nâng hạng lên thị trường Emerging Market. Một điểm được nhắc đến rất nhiều là liên quan đến tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài Prefunding, tôi thấy thấy giải pháp đưa ra có tác dụng nhất định.
Tuy nhiên, sẽ cần một thời gian để nhà đầu tư nước ngoài thực sự sử dụng những dịch vụ prefunding từ phía các công ty chứng khoán. Ngoài ra, một yếu tố rất là quan trọng trong việc thúc đẩy nâng hạng thị trường, đó là phải xây dựng một đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống những nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Việt Nam như các nhà đầu tư tổ chức để làm sao cộng đồng nhà đầu tư lớn mạnh và bài bản, như vậy mới thực sự bước chân vào ngưỡng cửa của Emerging Market. Lúc đó, việc nâng hạng mới thực sự có ý nghĩa và đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Với những điểm tích cực như vậy thì thị trường chứng khoán năm nay liệu có thoát khỏi sự trầm lắng của “tháng Ngâu” và diễn biến như thế nào trong hai quý còn lại của năm thưa ông?
Trong ngắn hạn, thị trường luôn dao động, và đặc biệt khi có những thông tin bất ngờ liên quan đến quốc tế hay những thông tin trong nước thường sẽ tác động đến thị trường. Nhưng trong trung và dài hạn trở đi, thị trường luôn được chuyển biến dựa trên cơ sở của việc dòng tiền nhà đầu tư tham gia vào thị trường, cũng như diễn biến cơ bản của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp có tăng trưởng tốt hay không và thị trường có thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia hay không.
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để gặp gỡ các doanh nghiệp trên sàn cũng như thu thập số liệu của khoảng 80 doanh nghiệp, chiếm hơn 70% vốn hóa của thị trường chứng khoán và dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 16,5% cho đến 17%, kỳ vọng năm 2025 sẽ còn mạnh lớn hơn so với số đó. Thế nên, đây là một yếu tố rất quan trọng và nó đảm bảo cho việc nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quan tâm đến thị trường, đặc biệt khi Việt Nam có những bước tiến gần hơn đến thị trường mới nổi.
Và trong giai đoạn thị trường đang có diễn biến sideway, nhà đầu tư không nên lạm dụng việc vay vốn đòn bẩy, cần giữ một tâm thế bình tĩnh và nên quan tâm nhiều đến những doanh nghiệp có sự chuyển biến tốt. Trong giai đoạn này, chúng tôi thấy rằng những ngành nghề đang có tốc độ tăng trưởng tốt nhà đầu tư nên quan tâm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ thông tin hay viễn thông. Ngoài ra, những ngành gần đây đang có sự phục hồi rất tốt như hóa chất, vật liệu cơ bản hay xây lắp.