Giá hồ tiêu kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối năm 2023
Hiện giá hồ tiêu đang dưới mức giá thành. Dù rất khó đoán định nhưng giá hồ tiêu được dự báo và kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Giá hồ tiêu đang dưới mức giá thành
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường hồ tiêu trong nước khá trầm lắng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Trong 18 ngày đầu tháng 01/2023, giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối năm 2022.
Giá hồ tiêu kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 |
Ngày 18/1, giá tiêu đen giảm từ 1.000 – 1.500 đồng/kg (tương đương mức giảm 1,7 – 2,6%) so với ngày 30/12/2022, xuống mức thấp nhất 56.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai – mức cao nhất 59.000 đồng/kg tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá hồ tiêu trắng ở mức 93.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cuối năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2022.
Bước sang đầu tháng 2/2023, tại thị trường nội địa giá hồ tiêu đã tăng nhẹ. Trong đó, tại Bà Rịa Vũng Tàu hồ tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 59.00 đồng/kg; tại Bình Phước, Đồng Nai giá hồ tiêu cũng đang duy trì ở 58.000 đồng/kg; tại Gia Lai giá hồ tiêu đang được các thương lái thu mua ở mức 56.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu ở mức 57.000 đồng/kg.
Dù giá hồ tiêu đã tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão, tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho rằng, mức tăng này mang tính ngắn hạn.
Hồ tiêu đang trong chu kỳ giảm giá do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, lãi suất tăng cao tại các thị trường Hoa Kỳ, EU,... cùng với vấn đề lạm phát đã tác động đến cầu tiêu dùng. Nhu cầu sụt giảm khiến các doanh nghiệp thu mua tích trữ hồ tiêu tại các thị trường này tụt giảm đẩy giá hồ tiêu trong nước tụt dốc.
‘Giá hồ tiêu tụt thê thảm. Bắt đầu từ thời điểm đầu năm 2021, đang đứng ở mức giá đỉnh cao 92.000 – 93.000 đồng/kg và sau đó tụt dần, hiện còn dưới 60.000 đồng/kg. Hiện đang là thời điểm giá hồ tiêu đang đứng ở mức thấp nhất’, ông Hồ Phước Bính chia sẻ.
Bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2023, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi giá bán đang ở mức thấp, trong khi đó tình trạng thiếu nhân công, giá thuê cao vẫn diễn ra, khiến cho nguồn thu không đủ chi phí thuê nhân công.
Trong bối cảnh giá hồ tiêu giảm, ông Hoàng Phước Bính cho biết, đối với những vùng gặp mưa bất thường dẫn đến mất mùa, năng suất thấp, người trồng có nguy cơ bị thua lỗ. Còn với những nơi được mùa, thuê được nhân công thuận lợi thì sẽ cầm chừng được. ‘Hiện, giá thành bình quân sản xuất hiện này phải lên đến hơn trên 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg do chi phí vật tư và các chi phí khác đều tăng cao. Như vậy, giá bán hiện nay đang dưới giá thành sản xuất’, ông Hoàng Phước Bính nói.
Khi nào giá hồ tiêu tăng trở lại?
Trước thông tin về việc một số doanh nghiệp Việt nhập khẩu hồ tiêu Trung Quốc khiến giá bán hồ tiêu trong nước bị phá giá, ông Hoàng Phước Bính cho rằng, đây là thông tin không đúng. Trung Quốc phải nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam. Hiện, Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong Top các doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu mạnh của thế giới.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, thông tin này là không có cơ sở. Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu tra soát, kiểm tra ở các cửa khẩu. Cụ thể, trong thời gian từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa nhập khẩu bất cứ lô hàng hồ tiêu nào từ Trung Quốc.
Riêng trong năm 2022, chỉ có 2 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc, với tổng khối lượng 504 tấn để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm gia vị xuất khẩu, chứ không tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. ‘Số lượng nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc trong năm 2022 chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với hơn 200.000 tấn hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không đủ làm tác động đến thị trường, giá cả hồ tiêu tại Việt Nam’, ông Huỳnh Tất Đạt cho biết thêm.
Hiện, các thị trường tiêu thụ hồ tiêu chính của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Trong khi, các thị trường Mỹ, EU đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, dù thị trường Trung Quốc bắt đầu khởi sắc lại. Tuy nhiên, một mình thị trường Trung Quốc khởi sắc cũng không đủ để kéo được giá hồ tiêu tăng lên.
Bởi theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc cũng sẽ nương theo khó khăn của các thị trường Mỹ, EU để giữ giá thấp chứ họ không nâng giá thu mua. Mặt khác, họ cũng lợi dụng việc chúng ta vào vụ mùa thu hoạch, người trồng sẽ bán ra để trả tiền nhân công, trả tiền chi phí để ép giá.
'Hiện, các địa phương đã bắt tay vào thu hoạch rộ vụ mới. Thời điểm này cũng sẽ rất khó để đưa ra những dự báo cho giá cà phê cũng như sản lượng của mùa vụ năm 2023. Tuy nhiên, rất có thể, khi vào chính vụ, lượng thu hoạch ồ ạt, nhu cầu bán ra nhiều sẽ khiến giá hồ tiêu không ‘bốc’ lên được', ông Hoàng Phước Bính nhận định.
Câu hỏi đặt ra là khi nào giá hồ tiêu có thể tăng trở lại? Theo ông Hoàng Phước Bính, mấy năm vừa qua, sản lượng thừa nên người dân trữ lại trong kho. Đến nay, mới tiêu thụ gần hết lượng hồ tiêu dự trữ. Khi hàng trong kho được tiêu thụ hết, thị trường có nhu cầu, nguồn cung thiếu chắc chắn sẽ giúp đẩy giá nên. Tuy nhiên, việc này chưa xảy ra tại vụ mùa năm nay. Nếu có kỳ vọng giá tiêu tăng lên thì phải cuối năm 2023, hoặc đầu năm tới.