• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

FPT lần đầu cán mốc doanh số gần 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế sau 23 năm xuất ngoại

Sau 23 năm đi ra nước ngoài, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế vào năm nay, tăng trưởng trên 30%.

Cụ thể, tính đến tháng 11, thị trường châu Mỹ của FPT tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng hơn 48%, thị trường châu Á Thái Bình Dương tăng hơn 47%, thị trường Nhật Bản tăng 27%. Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm khoảng 40% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài.

"Con số này khẳng định FPT đã đi đúng hướng trong hiện thực hóa chiến lược chuyển dịch sang cung cấp các dịch vụ CNTT tổng thể và toàn diện dựa trên các công nghệ lõi như AI, IoT, Cloud, Big Data, Automation… cho các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu", đại diện FPT nhấn mạnh.

Không chỉ đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững, năm 2022, FPT cũng không ngừng mở rộng quy mô hiện diện mà còn đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo đó, năm 2022, FPT mở mới hàng loạt các văn phòng tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Nhật Bản. Mạng lưới các văn phòng và 22 trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nguồn lực tại 27 quốc gia trên toàn cầu giúp FPT triển khai 24/7 các dịch vụ công nghệ thông tin cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với việc tăng cường sự hiện diện của thương hiệu trên toàn cầu, FPT cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A tại thị trường nước ngoài góp phần nâng tầm vị thế của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.

Trong năm 2022, FPT tại Nhật Bản đã trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty trong top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật Bản, với hơn 20 năm kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, đạt được những kết quả trên là nhờ chuyển dịch mạnh mẽ sang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể và toàn diện từ khâu tư vấn, thiết kế, phát triển đến triển khai các dự án chuyển đổi số quy mô lớn cho các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp các châu lục. 

"Năm 1999, FPT bắt đầu bước chân ra thị trường nước ngoài, mặc dù trong 3 năm đầu, vấp phải không ít khó khăn, thậm chí có thời điểm từng cân nhắc việc ngừng hoạt động kinh doanh nay. Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ toàn cầu hóa, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm, FPT đã đóng góp tích cực vào doanh thu xuất khẩu phần mềm của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, đồng thời nâng tầm trí tuệ Việt Nam trên sân chơi toàn cầu với nguồn nhân lực tăng mạnh về số lượng và chất lượng", CEO FPT nói.

Với những kết quả này, FPT cũng vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng bằng khen về việc đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường quốc tế năm 2022. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết