Dự báo giá cá tra sẽ vượt mức 30.000 đồng/kg
Giá cá tra hiện đã lên mức khoảng 30.000 đồng/kg và được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thấp và các thị trường xuất khẩu tiếp tục “ăn hàng”.
Giá cá tra tăng mạnh
Từ ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, nhiều nông dân tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu thu hoạch cá tra theo yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Nguồn cung ít trong khi nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy tăng cao nên đầu ra cá tra rất thuận lợi, bà con bán cá được giá cao.
Dự báo, giá cá tra sẽ vượt mức 30.000 đồng/kg |
Hiện, giá cá tra nguyên liệu tại đây đang ở mức 30.000 đồng/kg. Với giá này, người nông dân có thể “gỡ gạc” lại thua lỗ trong năm ngoái.
Trước đó, tại Đồng Tháp, nhiều nông dân nuôi cá tra tại huyện Châu Thành đã bán cá tra nguyên liệu dao động từ 26.000 - 26.500 đồng/kg (loại kích cỡ từ 800g - 1,1kg).
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành, thị trường các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ… đang có nhu cầu cao đối với cá tra Việt Nam. Tháng Giêng, tháng hai thị trường ấm dần lên, đang phát triển tốt. Qua Tết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến cá tra xuất khẩu đang tăng tốc nhập hàng trả đơn cho đối tác.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - thông tin, giá cá tra từ 28.000 - 29.500 đồng/kg, tình hình thị trường đang có xu hướng lên rất tốt.
Nguồn cung giảm do trong năm 2023 giá thấp khiến người nuôi cá tra không phát triển vùng nuôi nhiều, trong khi đó, hiện các thị trường nhập khẩu “ăn hàng” giúp giá cá tra chuyển động.
Với mức giá tăng cao như hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu có lo ngại thiếu nguồn cung hay không? Về vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay, người nuôi cá tra và các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh nuôi trồng và bắt kịp với xu hướng cá tra đang lên. Bởi lẽ, đa phần các doanh nghiệp và người nuôi theo chuỗi đều có sự chuẩn bị để tạo nguồn hàng liên tục.
Mặt khác, khâu làm giống với cá tra cũng nhanh, do đó, việc khủng hoảng hay giá cá tra tăng/giảm cũng không đáng ngại đến nguồn cung. Các doanh nghiệp và các hộ nuôi lớn cũng nắm bắt được chu kỳ biến động cá tra trong những năm vừa qua, do đó, họ đều có kinh nghiệm trong việc này.
“Đa phần bà con đã vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp. Các hộ nuôi lẻ bên ngoài thì cũng phần lớn là các hộ chăn nuôi lớn”, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay.
“Cũng thời điểm này năm 2022 và năm 2023, tại các vựa nuôi cá tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ,... giá cá tra cũng tăng mạnh lên 31.000 - 32.000 đồng/kg”, ông Dương Nghĩa Quốc thông tin và nhận định, giá cá tra có thể sẽ tăng cao hơn nữa. Bởi lẽ, nguồn cung nguyên liệu hiện đang khan hiếm.
Vấn đề mà ngành cá tra đặt ra lúc này đó là, mặc dù hiện giá thức ăn chăn nuôi đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, một phần nguyên nhân do thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mà cụ thể ở đây là bánh dầu đậu nành đang ở mức 2%. Do đó, đề nghị giảm mức thuế nhập khẩu này để hỗ trợ người nuôi, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Dự kiến xuất khẩu sẽ tăng tốc
Năm 2024, toàn ngành cá tra đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, phấn đấu đạt diện tích thả nuôi cá tra 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm khoảng 1,7 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, 224 doanh nghiệp trong ngành hàng đã sớm khởi động hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán.
Ông Dương Nghĩa Quốc nhận định, việc này phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới, nếu thị trường nhập khẩu ổn định thì khả năng xuất khẩu hoàn toàn có thể đạt con số 2 - 2,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, vấn đề xung đột Biển Đỏ cũng đang tác động đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam, làm tăng chi phí vận chuyển, kéo dài thời gian vận chuyển đến các thị trường Hoa Kỳ, EU. Đây là một bất lợi cho cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.
“Các năm trước, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 20%; thị trường EU chiếm khoảng 10%; thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm hơn 30%”, ông Dương Nghĩa Quốc thông tin.
Ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.
Để đạt kim ngạch xuất khẩu cá tra 2 tỷ USD trong năm 2024 và tiếp tục đưa sản phẩm cá tra đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đề nghị, toàn ngành cần tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng thương hiệu, chiến dịch tiếp thị hình ảnh sản phẩm, công nghệ nuôi, vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến… nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.