• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Ngày 19/11, Ban Quản lý dự án STEP đã tổ chức tổng kết dự án Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (STEP).

Tham dự lễ tổng kết có Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank); chuyên gia trong và ngoài nước.

Dự án STEP do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ quản, Co-opBank phối hợp với Tổ chức phát triển quốc tế Desjardins (DID) thực hiện.

Chính thức hoạt động vào tháng 11/2017, sau hơn 7 năm triển khai, tháng 11/2024 các hoạt động thực địa của dự án đã hoàn tất. Các đại biểu đều ghi nhận dự án đã đạt, góp phần phát triển tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thạc Tâm - Phó Tổng Giám đốc Co-opBank, đồng Giám đốc dự án STEP cho biết, dự án được thí điểm triển khai tại 12 Chi nhánh Co-opBank và 75 QTDND trên cả nước, chia đều ở 3 miền Bắc, Trung, Nam với mục tiêu góp phần giảm nghèo tại khu vực nông thôn Việt Nam bằng cách tăng cường khả năng hỗ trợ và giám sát của Co-opBank đối với hệ thống QTDND thành viên, tăng cường khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính bền vững của QTDND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khu vực nông thôn, đặc biệt là phụ nữ nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận và các tiêu chuẩn an toàn.

Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay sau khi chính thức hoạt động vào năm 2017, dự án STEP thực hiện khảo sát hoạt động, công tác kiểm toán nội bộ, sản phẩm, dịch vụ và hệ thống công nghệ thông tin của 75 QTDND tham gia dự án để xây dựng một bức tranh tổng thể về thực trạng của các QTDND, từ đó đưa ra các khuyến nghị, xây dựng các giải pháp giúp tăng cường năng lực cho Co-opBank và hệ thống QTDND. Đến nay 4 cấu phần chính của dự án đã triển khai đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Về cấu phần quản trị rủi ro, dự án STEP đã hoàn thành bộ công cụ kiểm toán nội bộ với các thủ tục tiêu chuẩn bao gồm phân tích tài chính, đánh giá rủi ro, lên kế hoạch kiểm toán và các kiểm tra theo các chủ đề nghiệp vụ như quản trị, thành viên, tín dụng, kế toán, công nghệ thông tin và môi trường.

Dự án STEP đã tổ chức tập huấn cho Co-opBank và các QTDND tham gia dự án. Đến nay, bộ công cụ được các đơn vị đánh giá tốt trong việc đánh giá các rủi ro, thực hiện kiểm tra và phát hiện các rủi ro trong hoạt động của QTDND.

Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, Shawn Steil cho biết STEP là dự án song phương lớn nhất của Canada và Việt Nam trong vòng 8 năm qua

Hệ thống quản lý thông tin báo cáo QTDND (PRMS) được xây dựng và chính thức được đưa vào vận hành tại Co-opBank thay thế hệ thống CF-eMIS từ ngày 1/10/2020. Đây là một công cụ giúp nâng cao năng lực giám sát của Co-opBank đối với các QTDND, đặc biệt liên quan đến các quy trình và công cụ giám sát rủi ro.

Với cấu phần sản phẩm, dịch vụ, Dự án đã phát triển sản phẩm cho vay theo dòng tiền để hỗ trợ QTDND đa dạng sản phẩm và cải thiện hiệu quả trong việc thẩm định và quản lý khoản vay. Sản phẩm này cho phép quỹ tín dụng đánh giá năng lực tài chính của khách hàng thông qua dòng tiền thực tế thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các thành viên và hộ kinh doanh nhỏ.

Với cấu phần phát triển dịch vụ kinh doanh (BDS), dự án STEP đã tập huấn, giới thiệu bộ công cụ chăm sóc khách hàng hỗ trợ cán bộ tín dụng của Co-opBank và QTDND giao tiếp và tương tác trong quá trình tiếp xúc và thẩm định khách hàng; Bộ công cụ marketing dành cho QTDND được dự án thiết kế nhằm hỗ trợ các QTDND nâng cao khả năng truyền thông, thu hút khách hàng và phát triển thương hiệu trong cộng đồng.

Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Bà Phạm Thị Hồng Minh - Tổng Giám đốc Co-opBank khẳng định, dự án STEP được triển khai đúng thời điểm và đã hoàn thành sứ mệnh

Dự án phát triển ứng dụng di động (Co-opSmart) cung cấp kiến thức tài chính và hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ là khách hàng và thành viên của Co-opBank và QTDND được phát triển từ năm 2023 đã thu hút hơn 12.000 khách hàng (trong đó khách hàng nữ chiếm 58%) trải nghiệm ứng dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Với cấu phần công nghệ thông tin, E-Banking là một trong các tiểu dự án thành công nhất trong khuôn khổ dự án STEP. Các tính năng trong E-Banking được sắp xếp khoa học phù hợp với xu hướng sử dụng ngân hàng số trong thời đại mới nhằm mang đến chất lượng, dịch vụ tốt hơn và đặc biệt là an toàn bảo mật hơn cho khách hàng...

Dự án E-Banking còn trang bị cho Co-opBank trục tích hợp trung gian (ESB) giúp tích hợp các thành phần, dịch vụ riêng rẽ thành một hệ thống và liên kết cung cấp các dịch vụ ngân hàng trực tuyến hỗ trợ trên nền tảng điện thoại, máy tính có kết nối Internet hoặc mạng viễn thông.

Thành công của dự án E-Banking còn thể hiện qua số lượng QTDND là thành viên của hệ thống thanh toán Co-opBank tăng từ 576 lên 929 QTDND trong 2 năm, từ khi triển khai dự án. Bên cạnh đó Co-opBank phối hợp với dự án STEP triển khai đề án trục thanh toán Payment Hub thí điểm tại 10 quỹ cho phép kết nối liên thông, xuyên suốt, 24/7 với hệ thống các ngân hàng và tổ chức thông qua Co-opBank, tích hợp dịch vụ và quản lý dịch vụ tới từng thành viên.

Dự án STEP: Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam cùng lãnh đạo DID và Co-opBank, các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ tổng kết dự án

Dự án STEP cũng đã phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến E-learning đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án. Đến nay, tổng số người đăng ký tham gia nền tảng E-Learning đã đạt con số ấn tượng là 6.249 lượt truy cập, thu hút 1.332 học viên tham gia 24 khóa đào tạo, trong đó có 576 người từ Co-opBank, 483 từ các QTDND thí điểm và những người tham gia còn lại đến từ các tổ chức có ảnh hưởng khác.

Bên cạnh đó, dự án STEP đã hỗ trợ Co-opBank xây dựng kế hoạch phát triển tổ chức giai đoạn 2017-2021 (IDP), xây dựng Chiến lược CNTT và chuyển đổi số cho Co-opBank và hệ thống QTDND giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tư vấn cho hoạt động của Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.

Đồng thời xây dựng phối hợp với Co-opBank xây dựng chương trình và đào tạo tiểu giáo viên cho cán bộ tại Trụ sở chính và 32 Chi nhánh Co-opBank nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực triển khai các giải pháp của Dự án đến hệ thống QTDND trong và sau khi Dự án kết thúc.

Đặc biệt, ông Claude Lafond - Giám đốc dự án STEP nhấn mạnh đến việc phối hợp với Co-opBank và Hiệp hội QTDND Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của dự án đến các QTDND nằm ngoài khuôn khổ 75 QTDND thí điểm ban đầu của dự án. Hội thảo đầu tiên năm 2023 giới thiệu đến 20 QTDND đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, từ đó dự án đã tài trợ nhân rộng đào tạo thêm 160 cán bộ đến từ 40 QTDND trên cả 3 miền.

Thành công của khóa đào tạo không chỉ đến từ việc nhiều QTDND được thụ hưởng từ dự án mà còn là minh chứng cho việc các giáo viên đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để tiếp tục triển khai đào tạo ngay cả khi dự án kết thúc.

Bên cạnh đó, DID đã tổ chức 4 chuyến công tác thăm quan học tập tại tập đoàn Desjardins, Canada để tìm hiểu mô hình quản lý và vận hành của các tổ chức tài chính hợp tác xã (caisse) Canada qua đó tiếp thu nhiều bài học quý giá về tối ưu hóa quy trình quản lý, phát triển tổ chức tài chính hợp tác xã.

Phát biểu tại lễ tổng kết dự án, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Shawn Steil xúc động khi được chứng kiến những đóng góp của Chính phủ Canada cho phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Đây là dự án song phương lớn nhất của Canada và Việt Nam trong vòng 8 năm qua với tổng nguồn vốn dự án là 19,1 triệu đô la Canada, trong đó vốn viện trợ chính phủ nước ngoài không hoàn lại là 18,1 triệu đôla Canada và 924 ngàn đôla Canada vốn đối ứng từ Co-opBank.

Ông Shawn Steil nhìn nhận: "Trong bối cảnh Việt Nam đang ghi nhận những thành tựu phát triển kinh tế rực rỡ, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương cũng như chuyển đổi sang phát triển bền vững không thể bỏ rơi những đổi tượng phát triển khác nhau trong nền kinh tế. Đó là lý do chúng tôi đầu tư Dự án này cho Việt Nam".

Khẳng định dự án góp phần thúc đẩy nâng cao mối quan hệ hợp tác hai nước, ông kỳ vọng tới đây mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam đặc biệt là các tổ chức tài chính Việt Nam với Chính phủ Canada sẽ mạnh mẽ và được củng cố hơn nữa. Và Chính phủ Canada cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam trong đó có hỗ trợ tài chính đồng thời tích cực thúc đẩy triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này. Ông Shawn Steil cũng đề nghị Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy được thành tựu dự án.

Phát biểu tại lễ tổng kết với vai trò là Cơ quan chủ quản dự án STEP, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật rất có ý nghĩa bởi hệ thống QTDND tại Việt Nam hình thành và phát triển trên cơ sở học tập mô hình của Desjardins, Canada hiện bao gồm gần 1.200 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh thành phố, phục vụ gần 2 triệu thành viên và vào đúng thời điểm Co-opBank cùng hệ thống QTDND đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg.

Dự án góp phần tích cực cho mục tiêu tái cơ cấu hệ thống TCTD mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Đồng thời góp phần thực hiện chủ trương của Đảng là phát triển mô hình kinh tế hợp tác - mô hình rất quan trọng và cần thiết trong tiến trình xây dựng đất nước. Dự án cũng được triển khai hòa đồng với xu hướng, xu thế, chung và mong muốn của các nước cũng như Việt Nam là xây dựng nền tài chính ổn định, toàn diện, phát triển tài chính bền vững bao trùm giải quyết các vấn đề xã hội.

Thay mặt Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã ghi nhận và đánh giá cao các nỗ lực của các bên liên quan trong việc triển khai dự án STEP. Thành công của dự án không chỉ tạo nên các dấu ấn trong quá trình phát triển của Co-opBank cũng như hệ thống QTDND, mà còn là biểu tượng cho quan hệ hợp tác toàn diện và thực chất giữa Việt Nam và Canada.

Ghi nhận kết quả đạt được của dự án không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, xây dựng các phẩm cung cấp cho cả Co-opBank, QTDND mà đằng sau đó là các khách hàng thành viên của Co-opBank, QTDND được thụ hưởng, Phó Thống đốc nhấn mạnh Co-opBank với vai trò đầu mối chăm sóc hệ thống, nghiên cứu tiếp để có kế hoạch từng bước phù hợp điều kiện thực tiễn mở rộng những thành quả của dự án cho các QTDND khác. Đồng thời ông cũng giao nhiệm vụ cho Co-opBank xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số cho hệ thống.

"Đây là vấn đề bắt buộc, các QTDND phải tham gia vì là chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và NHNN" Phó Thống đốc Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam với tư cách là đơn vị chủ trì dự án, cảm ơn Chính phủ Canada, dự án do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada, Tổ chức phát triển Desjardins đã hỗ trợ dự án và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ tiếp theo để hệ thống QTDND tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng một cơ chế tổ chức vận hành mới phù hợp với thực tiễn thời đại và sự phát triển chung của đất nước.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, bà Phạm Thị Hồng Minh - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Co-opBank một lần nữa khẳng định dự án được triển khai đúng thời điểm và hoàn thành sứ mệnh giúp Co-opBank thực hiện tốt hơn vai trò đầu mối hệ thống, hỗ trợ QTDND triển khai tất cả các kết quả đầu ra dự án đóng góp vào sự phát triển nông thôn Việt Nam. Đây cũng là tiền đề để Co-opBank triển khai các dự án tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, Co-opBank và hệ thống QTDND mong muốn nhận được sự hỗ trợ tiếp theo từ Chính phủ Canada đồng thời cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo triển khai kết quả đầu ra dự án.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật