Doanh nghiệp thép gặp khó trên sân nhà
Thép Trung Quốc đang được nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam, khiến thép sản xuất trong nước liên tục phải giảm giá nhưng vẫn khó cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp thép trong nước đang ở giai đoạn khó khăn ngắn hạn.
Giá thép hạ, sản lượng sản xuất, bán hàng suy giảm
Từ đầu năm đến nay, giá thép các loại ở Việt Nam liên tục phải điều chỉnh mức giá theo hướng giảm. Hơn 6 tháng qua, các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam đã điều chỉnh giá bán thép khoảng 15 lần, lần gần nhất là ngày 22/7 vừa qua. Cách đây hơn một năm, giá thép xây dựng neo ở mức rất cao, khoảng gần 20.000 đồng/kg, thì nay, sau khi liên tục điều chỉnh, giá loại thép này chỉ còn khoảng 13.600 - 14.100 đồng/kg, tùy loại. Mức giá này tương đương với giá cách đây khoảng hơn 3 năm về trước.
Không chỉ giá thép giảm, sản lượng sản xuất và sản lượng bán các loại thép trong nước cũng đang trên đà suy giảm. Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS), tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022; Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam , đại diện Tập đoàn Hòa Phát (DN sản xuất thép lớn nhất Việt Nam) cho biết, 6 tháng qua, thép sản xuất và thép bán ra của Hòa Phát đều giảm khá mạnh. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Hòa Phát sản xuất được 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022. Riêng thép xây dựng - sản phẩm chủ lực của Hòa Phát, đơn vị này cho biết, nửa năm qua chỉ đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam , các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam như thép Việt - Ý, thép Pomina, thép Hoa Sen, thép Posco, thép Nam Kim… đều chung cảnh sản lượng giảm, giá bán giảm. Một số DN phải cắt giảm sản lượng sản xuất để hạn chế lượng hàng tồn kho. Doanh thu và lợi nhuận của các DN thép đồng loạt giảm, thậm chí có những DN báo lỗ.
Lý giải nguyên nhân DN thép khó khăn, ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTELL), Chủ tịch VSA cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến các DN thép Việt Nam khó khăn về thị trường. Thứ nhất, thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài vừa qua khiến nguồn cung các sản phẩm thép bị thu hẹp. Thứ hai, thời gian qua, thép Trung Quốc được nhập khẩu với số lượng lớn vào Việt Nam, khiến thị phần thép các DN thép trong nước bị thu hẹp, phải liên tục điều chỉnh giá bán để cạnh tranh.
Thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
Giá thép Trung Quốc nhập khẩu so với thép sản xuất ở Việt Nam có giá rất cạnh tranh. Điều này khiến các DN thép Việt Nam dù đã giảm giá nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thể cạnh tranh với sản phẩm thép nước bạn. Theo số liệu của VSA, trong năm tháng đầu năm nay, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh với 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% sản lượng thép nhập khẩu.
Lí giải nguyên nhân thép Trung Quốc thời gian qua nhập khẩu lớn vào Việt Nam, VAS cho biết, thị trường bất động sản Trung Quốc đang ảm đạm, dẫn đến thép Trung Quốc tồn kho nhiều. Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất thép trên thế giới suy giảm nên giá thép giảm theo. Do đó, nhiều DN thép Trung Quốc đã giảm giá thép để xuất khẩu. Việt Nam là một trong những thị trường “béo bở” cho thép Trung Quốc xâm chiếm.
Theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, trong bối cảnh thép Trung Quốc “ồ ạt” vào Việt Nam, các DN thép trong nước tỏ ra kháng cự một cách yếu ớt, nguy cơ chịu thua trên “sân nhà”. Vị này cho rằng hiện nay thuế thép nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng 0 cộng với nước ta chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép một cách mạnh mẽ nên thép Trung Quốc dễ dàng thâm nhập và xâm chiếm thị phần. “Cần có những biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ hơn để bảo vệ DN thép nội”, lãnh đạo VSA đề xuất.
Trong một diễn biến khác, việc giá thép giảm sâu trong thời gian qua khiến nhiều DN ngành xây dựng “thở phào”. Họ từng thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản cách đây khoảng một năm khi giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác neo ở mức giá rất cao.
Theo giới chuyên gia xây dựng, thép ngoại giá rẻ vào Việt Nam để cạnh tranh với thép nội là tín hiệu tích cực, bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh, miễn là loại thép đó bảo đảm chất lượng. Thực tế, dù giá thép giảm, nhưng một số DN thép trong nước vẫn báo lãi lớn. Điển hình, thép Hòa Phát vừa báo lãi hơn 1.800 tỷ đồng sau thuế trong nửa đầu năm nay; thép Nam Kim cũng lãi hàng trăm tỷ. “Giá thép quá cao sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng nói chung, bất động sản nói riêng và có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Giá thép cũng như các loại giá khác, cần tự để thị trường điều chỉnh”, vị này nêu quan điểm.