• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp nào hưởng lợi khi Ấn Độ cấm xuất khẩu đường?

Giá đường thế giới dự kiến còn tăng cao do Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu trong niên độ mới, bắt đầu từ tháng 10. Giá đường trong nước cũng tăng theo sau thời gian đi ngang trong quý I.

Giá đường thế giới còn tiếp tục tăng

Từ cuối năm 2022, giá đường thế giới liên tục tăng trước diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến nguồn cung ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc sụt giảm. Giá đường thế giới ghi nhận đà tăng từ vùng 17 cents/pound tháng 10/2022 lên đỉnh 10 năm ở vùng 27 cents/pound vào tháng 4 vừa qua, tức tăng 59%.

Sau đó, giá mặt hàng này giảm về 22 cents/pound và bật tăng trở lại vùng 25,6 cents/pound trước thông tin Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil), xem xét cấm xuất khẩu đường.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi khi Ấn Độ cấm xuất khẩu đường? - Ảnh 1.

Diễn biến giá đường 1 năm qua, nguồn: TradingEconomics

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, trong niên vụ 2022 – 2023, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10 tới – đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua Ấn Độ đưa ra lệnh tạm dừng xuất khẩu đường.

Theo Cơ quan Dự báo thời tiết Ấn Độ, lượng mưa tại các địa phương trồng mía hàng đầu chiếm hơn nửa tổng sản lượng đường của quốc gia đông dân nhất thế giới đã thấp hơn 50% so với mức trung bình trong năm nay. Bên cạnh đó, mưa thất thường và rải rác cũng sẽ làm giảm sản lượng đường niên vụ 2023-2024 và có thể giảm trồng trọt trong niên vụ 2024 – 2025.

SSI Research cho rằng giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4, một phần do sản lượng của Ấn Độ giảm (giảm 5% so với cùng kỳ năm trước) và xuất khẩu giảm (giảm 46%). Do vậy, việc quốc gia này cấm xuất khẩu sẽ tác động tích cực đến giá đường trong niên vụ 2023 – 2024.

Đồng pha, giá đường trong nước cũng tăng trong giai đoạn vừa qua. Giá gần như không đổi trong suốt quý I ở 18.000 đồng/kg thì đến đầu tháng 8 đã tăng lên 21.200 đồng/kg. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 871.000 tấn, tăng 16,6% so với niên độ 2022/2023 nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi. Dù vậy, SSI Research nhận định giá đường trong nước nhiều khả năng duy trì ở mức cao và cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.

Lợi nhuận không đồng pha

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi từ việc giá đường thế giới tăng cao. Có đơn vị doanh thu và lợi nhuận gấp nhiều lần nhưng cũng có doanh nghiệp đi xuống trong niên độ 2022 – 2023.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi khi Ấn Độ cấm xuất khẩu đường? - Ảnh 2.

Với niên độ tài chính khác biệt (1/7 – 30/6), hầu hết các doanh nghiệp mía đường đều đã kết thúc năm từ 30/6. Công ty Đường Kon Tum (HNX: KTS) công bố doanh thu quý IV niên độ 2022 – 2023 gấp 6 lần cùng kỳ năm trước đạt 289 tỷ đồng nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng. Lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, gấp 7 lần. Nhờ vậy, lũy kế cả năm, doanh thu đạt 548 tỷ và lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,1 và 4,8 lần niên độ trước.

Tương tự, Mía đường Sơn La (HNX: SLS) cũng có năm bội thu với doanh thu gần gấp đôi lên 1.676 tỷ đồng và lợi nhuận ròng gấp 2,8 lần đạt 523 tỷ đồng. Riêng quý IV đóng góp 33% doanh thu và 43% lợi nhuận, lần lượt ghi nhận 550 tỷ đồng và 225 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu gấp 2,5 lần và lợi nhuận gấp 3,6 lần.

“Anh cả” trong ngành, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Agris, HoSE: SBT) cũng báo cáo doanh thu tăng đáng kể nhưng lợi nhuận giảm do gánh nặng chi phí tài chính quá lớn. Trong quý IV, doanh thu tiếp tục tăng 23,6% đạt 6.800 tỷ đồng, lũy kế cả niên độ 2022 – 2023 tăng 35% lên 24.746 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng quá mạnh, chủ yếu do chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận ròng giảm 65% xuống 75 tỷ đồng riêng quý IV và giảm 38% xuống 545 cả niên độ.

Tại thời điểm 30/6, TTC Agris có khoản vay ngắn hạn 11.037 tỷ đồng, tăng thêm 2.324 tỷ đồng so với đầu niên độ (30/6/2022). Ngược lại, vay nợ dài hạn giảm từ 2.468 tỷ xuống 659 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã tăng vay nợ thêm 515 tỷ đồng lên 11.696 tỷ đồng. Với diễn biến lãi suất tăng cao thời gian qua, chi phí lãi vay niên độ 2022 – 2023 của "anh cả" ngành đường đã đạt con số 1.451 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ và ngốn 54,6% lợi nhuận gộp.

Đi ngược tất cả, Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS) báo cáo doanh thu giảm 11,4% xuống 1.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm phân nửa xuống 21,5 tỷ đồng. Xét quý IV, doanh thu 721 tỷ đồng và lợi nhuận 6,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 75%.

Theo SSI Research, LSS có tỷ lệ đường thương mại ở mức cao, mảng hoạt động ngày bị ảnh hưởng trong năm do thuế chống trợ cấp chống bán phá giá được áp dụng gần đây. Doanh nghiệp không trúng thầu đường thô trong hạn ngạch nhập khẩu giai đoạn 2021-2022. Đối với sản xuất đường, LSS sản xuất được 55.000 tấn/năm (chiếm 52% sản lượng tiêu thụ), là mức thấp so với công ty cùng ngành. Do vậy, việc tăng giá đường không manh lại nhiều lợi ích cho LSS.

Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) có 2 mảng kinh doanh chính gồm sữa và đường. Niên độ của doanh nghiệp này khác với công ty mía đường khi mở đầu vào 1/1 và kết thúc 30/12.

Theo BCTC hợp nhất nửa năm 2023, chủ thương hiệu sữa Vinasoy đạt doanh thu 5.298 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 1.028 tỷ đồng, gấp đôi. Trong quý II, doanh thu tăng 43% đạt 3.152 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 95% lên 712 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lý giải, sức mua vẫn chưa phục hồi nên sản lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo giảm nhẹ trong quý II. Tuy nhiên, một số sản phẩm khác vẫn tăng mạnh, đặc biệt là đường. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đường tăng 133%, doanh thu tăng 151%; điện tăng lần lượt 35% và 39%, nha tăng 13% và 14%.

Mặt khác, công ty tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía, dây chuyền sản xuất đường đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước đối với sản phẩm đường và kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng là nguyên nhận giúp hoạt động sản xuất kinh doanh đường của công ty đạt hiệu quả cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật