• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói gì về triển vọng kinh doanh sắp tới?

Bên cạnh sự đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết đang được hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định EVFTA.

Theo kết quả Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2/2023 được EuroCham Việt Nam công bố ngày 10/7, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế đã tăng 2%, nâng tổng số doanh nghiệp dự đoán điều này lên gần một phần ba.

Cũng theo khảo sát, số lượng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý 3/2023 đã tăng 9% so với đánh giá của họ cho quý 2/2023.

0448-53234f2b4c42c82cc67b67808b62ae77

Sự lạc quan về kinh tế tại Việt Nam của doanh nghiệp châu Âu tăng nhẹ

Một điểm đáng lưu ý khác là khảo sát cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong số đó, 35% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc tận dụng tối đa các thỏa thuận của Hiệp định, với các thủ tục hành chính và việc hiểu biết không đầy đủ về Hiệp định này vẫn là những rào cản chính đối với việc phát huy tối đa các lợi ích từ Hiệp định.

Mặc dù vậy, BCI cũng cho thấy một bối cảnh đầy thách thức khi số lượt phản hồi bi quan liên quan đến tình hình kinh doanh hiện tại tăng tới 10% và sự thận trọng ngày càng tăng được phản ánh rõ hơn qua tâm lý bi quan tăng 6% trong quý sắp tới.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, những khó khăn trong vấn đề thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vẫn luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp. Cụ thể có hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau, trong đó thời gian xử lý kéo dài là vấn đề cấp bách nhất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thận trọng đánh giá toàn cảnh, tập trung vào việc tối ưu hóa doanh thu và đơn hàng, với mức tăng nhẹ 4% trong tỷ lệ các công ty dự đoán sự sụt giảm trong hai lĩnh vực trên. Ngoài ra, số lượng các công ty có kế hoạch quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư trong quý tới đã tăng thêm 7%.

Theo các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính của Việt Nam cần được cải thiện để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thêm vào đó, họ cũng lo ngại về việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu sắp tới, đồng thời cho biết chưa hiểu đầy đủ về Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam.

“Các doanh nghiệp đang bày tỏ rằng việc giảm bớt khó khăn hành chính và nâng cao trình độ của lực lượng lao động sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng. Một lực lượng lao động chất lượng cũng rất quan trọng để các doanh nghiệp duy trì sự tự tin vào chính doanh nghiệp của họ và nền kinh tế”- Giám đốc điều hành Decision Lab - Thue Quist Thomasen- đánh giá.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham - cho biết: Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, và đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) cho thấy rõ viễn cảnh ảm đạm hiện nay.

"Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp thiết thực, đặc biệt là bằng cách đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này và tin rằng điều đó sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế trong dài hạn! Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vấn đề được nêu ra trong báo cáo BCI và chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ để tìm ra các giải pháp hiệu quả”- ông Gabor Fluit nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan