• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục vững tay

Lãnh đạo NHNN khẳng định, mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này.

Giữ vững “mặt trận” tiền tệ

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường, chưa từng có tiền lệ, lạm phát tăng cao và NHTW các nước liên tục nâng lãi suất khiến tỷ giá biến động mạnh. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu... Tất cả yếu tố bất định, khó lường từ kinh tế thế giới gây khó khăn rất lớn đến kinh tế nói chung, hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng.

Mặc dù đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN vẫn giữ vững lập trường kiên định điều hành chính sách giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ. NHNN tập trung kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu đặt ra trong năm nay là 14% dù chịu rất nhiều áp lực. Đối với tỷ giá, trong mấy tháng qua, NHNN mất nhiều công sức, dùng nhiều công cụ để giữ ổn định tỷ giá. Đơn cử, bên cạnh việc sử dụng công cụ tín phiếu, NHNN đã bán ngoại tệ để hút tiền về. Từ đó điều tiết lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp, tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá trước áp lực mạnh từ thị trường quốc tế. Việc giữ được tỷ giá ổn định góp phần rất quan trọng đến kiểm soát lạm phát. Vì nếu để tỷ giá tăng chắc chắn làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng và sẽ tác động lớn đến lạm phát.

“Việt Nam chịu sức ép rất lớn lạm phát từ bên ngoài cộng với việc lạm phát cơ bản cũng tăng hơn trước, hay nói cách khác chu kỳ thứ hai lạm phát chi phí đẩy bắt đầu xuất hiện. Đây là điều NHNN đã nghiên cứu, tính toán đến nên lần này họ hành động rất cẩn trọng bài bản trong nới room tín dụng... Qua đó cho thấy mức độ thấu hiểu kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế ngày càng tốt và chúng ta cần khuyến khích họ”, TS. Nghĩa nhận định.

dieu hanh chinh sach tien te tiep tuc vung tay
Tỷ giá, lãi suất ổn định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu nhìn qua các con số như tăng trưởng chỉ số phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tiêu dùng; cũng như khía cạnh khác liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có thể thấy điều hành chính sách tiền tệ của NHNN khá tốt. Xét trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, việc NHNN kiên định điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt là lựa chọn chính sách phù hợp. Bởi vì giữ ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng nhất cho quá trình phục hồi mà không gây cú sốc rủi ro về mặt tài chính tiền tệ đối với nền kinh tế. “Lựa chọn này là chính xác khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định”, TS. Thành bổ sung thêm.

Cần tiếp tục điều hành chính sách thận trọng, linh hoạt

Trong bối cảnh không chỉ Fed mà NHTW nhiều nước lớn, đối tác Việt Nam đều tăng lãi suất thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành sẽ thúc đẩy quá trình suy giảm tăng trưởng ở các nước này và tác động đến kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ... Chính vì vậy trong bối cảnh hiện nay, TS. Võ Trí Thành cho rằng, NHNN càng phải kiên định, cẩn trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, đối với tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn không chỉ tạo áp lực lên tỷ giá mà còn gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn.

“Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt. Vì tỷ lệ tín dụng/GDP hiện đã là 124% - mức rất rủi ro”, ông Thành cảnh báo. Song song với đó, vị chuyên gia này đề xuất, NHNN tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép ổn định kinh tế vĩ mô.

Về vấn đề tỷ giá, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá, thời gian vừa qua, NHNN đã làm tốt việc giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Sự ổn định tỷ giá cần phải tiếp tục duy trì trong thời gian tới. “Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”, vị chuyên gia nhấn mạnh và khuyến nghị điều hành chính sách lãi suất cũng cố gắng duy trì ổn định. Vì lạm phát tăng cao không thể hạ lãi suất được. Còn nếu tăng lãi suất, sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế.

Chung quan điểm, GS Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ) khuyến nghị, Việt Nam không nên giảm giá VND bởi nếu không sẽ gây rủi ro tài chính.

Mục tiêu giữ ổn định lãi suất, trên nền tảng đó ổn định tỷ giá, trước bối cảnh đồng USD tăng giá, xu hướng Fed tiếp tục tăng lãi suất, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa rất khó khăn. Để đạt mục tiêu tổng thể vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng, theo đề xuất của vị chuyên gia này, NHNN cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tài chính để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có lúc áp lực lên chính sách tiền tệ mạnh quá, chính sách tài khóa sẽ chia sẻ gánh nặng bằng các giải pháp giảm thuế, phí... cho các ngành hàng liên quan đến nhập khẩu. Điều này có thể kéo giảm lạm phát, giảm áp lực cho chính sách tiền tệ, tiện cho Chính phủ thực thi các chính sách khác, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất đang triển khai.

Có thể nói, NHNN đang phải đối mặt với bài toán rất hóc búa: vừa phải ổn định tỷ giá, vừa phải giữ mặt bằng lãi suất; cân bằng mục tiêu kiểm soát lạm phát và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Lãnh đạo NHNN khẳng định, mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, kiểm soát chặt chẽ tín dụng là biện pháp quan trọng để giữ tỷ giá hối đoái. Đây là điều NHNN cân nhắc trong nới room tín dụng và kiên định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022. Hành động này là hợp lý và có trách nhiệm với điều hành kinh tế vĩ mô.

Hà Thành

Nguồn:

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật